Truyền thống trường chuyên lớp chọn
Có trụ sở chính tại phường Bến Nghé, quận 1 và cơ sở 2 ở phường Bình Khánh, Tp. Thủ Đức, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là 1 trong 3 trường trung học phổ thông chuyên của Tp. Hồ Chí Minh. Từ năm học 2003 – 2004, nhà trường bắt đầu tuyển sinh các lớp 10 chuyên.
Điều đặc biệt của trường THPT này là còn có hệ đào tạo THCS với tỷ lệ chọi đầu vào lớp 6 không kém gay gắt so với tuyển sinh lớp 10. Đây cũng là đơn vị duy nhất có quy định tuyển sinh riêng cho lớp 6 với chỉ tiêu hàng năm dao động khoảng 500 học sinh.
Trong những năm qua, phần lớn các học sinh lớp 10 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đều được kế thừa từ quá trình đào tạo cấp THCS.
Mặc dù các học sinh tốt nghiệp lớp 9 từ nhà trường vẫn phải thi tuyển cùng các đơn vị khác trong kỳ thi chung của Tp. Hồ Chí Minh để vào lớp 10 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng lợi thế “sân nhà” là không thể phủ nhận.
Nhưng đến năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã đảo lộn truyền thống đó.
Với chỉ tiêu lớp 10 là 405 học sinh (hệ chuyên và không chuyên), trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa phải chấp hành quyết định của UBND Tp. Hồ Chí Minh và sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) mà tuyển sinh bằng xét tuyển thay vì kế hoạch thi tuyển đã bị dời lại hơn 6 tuần.
Ngày 10/8, đồng loạt các trường THPT chuyên công bố điểm chuẩn, ghi nhận sự tăng vọt hơn 10-23 điểm so với năm trước.
Như với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, lớp 10 chuyên Sinh điểm chuẩn 49,4 hay lớp chuyên Hóa, chuyên Toán cùng có mức điểm 49,1. Tức là học sinh tốt nghiệp lớp 9 có mức điểm trung bình mỗi môn 9,8 đến gần 10 điểm mới có thể trúng tuyển.
Và khi những học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không thể tiếp tục học tại đây, cũng như cạnh tranh khốc liệt để vào các trường chuyên khác như THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định,…thì không ít phụ huynh đã bức xúc.
Họ tập hợp thành nhóm với gần 250 thành viên để gửi đơn kiến nghị đến ngành giáo dục và lãnh đạo thành phố này, giữa lúc các trường THPT chuyên đã bắt đầu nhận hồ sơ nhập học.
Học sinh trường chuyên thi rớt… trường chuyên
Đơn kiến nghị dẫn chứng, gần 500 học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ có 28% trúng tuyển lớp 10 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Trong khi tỷ lệ này hằng năm đều trên 90% nên các phụ huynh mong muốn quá trình học trường chuyên, lớp chuyên của con em họ không bị gián đoạn.
Đứng đầu danh sách là phụ huynh H.T.T.T. băn khoăn: “Con tôi rớt cả 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường chuyên. Tôi lo rằng với cách xét tuyển như hiện nay thì cũng khó trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập”.
Tập thể các phụ huynh cho rằng, bậc THCS của trường chuyên Trần Đại Nghĩa thường ra đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên rất khó, gắt gao hơn nhiều trường khác nên điểm số có chênh lệch.
Nếu xét điểm trung bình môn lớp 9 (điểm học bạ), những học sinh này sẽ thua trong cuộc đua vào trường chuyên so với học sinh nhiều trường THCS khác, được cho là chấm điểm "thoải mái" hơn.
Còn phụ huynh Ngô Hải Anh chỉ ra: “Học sinh lớp 9 trường Trần Đại Nghĩa được tuyển chọn bằng kỳ thi gắt gao đầu vào năm lớp 6 với tỷ lệ 1 chọi 10. Bây giờ bị rớt khỏi trường chuyên với số lượng chưa từng có là một điều bất thường, cần được xem xét”.
Trong đơn kiến nghị, các phụ huynh này đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh xem xét lại công thức xét tuyển, sở GD&ĐT thành phố này ưu tiên xét tuyển sinh vào các trường chuyên đối với học sinh lớp 9 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Đồng thời, họ yêu cầu không sử dụng điểm khuyến khích để cộng vào điểm xét tuyển hệ chuyên vì sẽ tạo bất công đối với những học sinh không thi học sinh giỏi.
Năm nay, Tp. Hồ CHí Minh có số lượng học sinh lớp 9 đạt giải thưởng Học sinh giỏi cấp thành phố tăng vọt là trên 2.400 học sinh.
Trong khi tổng cộng chỉ tiêu vào trường chuyên, lớp chuyên chưa đến 1.700 học sinh mà theo dữ liệu điểm xét tuyển, có hơn 1.500 thí sinh được cộng điểm khuyến khích.
Với cách cộng trực tiếp điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển, ngang bằng đơn vị tính với điểm trung bình môn học cả năm lớp 9 đã làm gia tăng khoảng cách giữa học sinh có điểm khuyến khích và không có.
“Không ít học sinh có năng lực, nhưng nếu không có điểm khuyến khích rất khó vào trường chuyên. Cách xét tuyển như năm nay là rất bất công cho con em chúng tôi”, phụ huynh Đỗ Anh Thái cho biết.
Không thể có giải pháp toàn vẹn
Đứng trước sức ép này, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, bất kỳ phương án tuyển sinh nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm.
“Chúng ta không thể tìm ra phương án nào trọn vẹn để làm hài lòng tất cả mọi người. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, phương án xét tuyển được áp dụng đã qua cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Hiếu nói.
Đối với nhận định “trường ra đề khó nên điểm thấp, không công bằng khi xét tuyển” trong đơn kiến nghị, lãnh đạo sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh cho rằng là chủ quan, không có cơ sở.
Bậc THCS không có hình thức trường hay lớp chuyên nên chương trình giảng dạy bậc THCS ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng giống như các trường THCS khác. Điểm khác của trường này là có tăng cường thêm tiếng Anh.
Do đó, đơn vị này phải ra đề kiểm tra theo tiêu chí chung của sở GD&ĐT như các trường THCS khác. Cụ thể, ma trận gồm 40% câu hỏi dạng nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng thấp và 10% vận dụng cao.
“Việc ra đề của các trường đều được Sở giám sát nên không có chuyện các giáo viên tự ý quyết định độ khó của đề thi. Trong khi thực tế thì điểm các em lớp 9 trường Trần Đại Nghĩa nhìn chung là cao hơn các trường khác”, ông Hiếu thông tin.
Cũng theo ông Hiếu, do việc ra đề kiểm tra bậc THCS là đại trà, phổ quát nên kết quả điểm số không có khả năng đánh giá năng lực đặc biệt của học sinh.
Nói về việc cộng điểm khuyến khích với mức từ 0,5 đến 4 điểm tùy thứ hạng cho học sinh có giải thưởng, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu phân tích: “Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố là thực chất và uy tín, yêu cầu thí sinh có tố chất đặc biệt ở một môn học.
Những em đoạt giải là học sinh xuất sắc ở một môn học nên việc cộng điểm để tuyển vào lớp 10 chuyên là hợp lý, tránh bỏ sót những học sinh có năng lực”.
Theo quy định của ngành giáo dục Tp. Hồ Chí Minh, mỗi quận huyện chỉ thành lập 1 đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp thành phố với tối đa 15 học sinh/môn thi. Riêng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được thành lập 1 đội tuyển cho mỗi môn, số lượng tương đương bằng 1 quận/huyện.
Năm học 2020-2021, Tp. Hồ Chí Minh có hơn 2.400 học sinh lớp 9 đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 98 trường hợp.
Cuối cùng, ông Hiếu cho biết, xét tuyển vào lớp 10 chỉ áp dụng cộng điểm khuyến khích cho trường chuyên. Trừ các em được cộng điểm khuyến khích, học sinh đều bình đẳng với nhau trong xét tuyển.
"Còn các trường THPT công lập khác xét tuyển lớp 10 là không cộng điểm khuyến khích, chỉ tính điểm các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ nên các phụ huynh và học sinh này có thể cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng", ông Hiếu cho hay.
Đã hoàn tất tuyển sinh cho năm học mới
Bình luận về đơn kiến nghị này, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, bất cứ phương án tuyển sinh nào cũng sẽ có hai mặt. Và trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện này thì chỉ có thể thực hiện phương án xét tuyển.
“Chúng tôi tuyển sinh sẽ theo mô hình chóp, càng lên cao sẽ càng siết chặt lại. Trước khi có kết quả, nhà trường đã tổng hợp báo cáo sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh nên không thể đưa ra ý kiến thêm”, ông Minh nói.
Hệ chuyên của nhà trường đã có danh sách trúng tuyển để thông báo cho học sinh nộp hồ sơ nhập học trực tuyến. Cùng với đó là danh sách 107 học sinh lớp 10 hệ tích hợp và 87 hệ thường đã được công bố. Hôm nay (14/8) là kết thúc thời gian nộp hồ sơ nhập học cho năm học 2021 - 2022.