Buổi nói chuyện thu hút 1.500 học sinh của trường THPT Nguyễn Du tham gia, các em đã được nghe các chuyên gia cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết khi tương tác trên mạng xã hội.
Đồng thời, giáo viên được tập huấn giảng dạy hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng công dân số có trách nhiệm.
Tham gia buổi chuyện, học sinh có thể phân biệt được 3 loại bài viết trên mạng xã hội khác nhau. Như: Bài viết thông tin sự thật, bài viết thông tin sai lệch như quảng cáo sai sự thực, tin tức giả, bài báo hoặc hình ảnh đã qua chỉnh sửa... và bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
Từ đó, học sinh có thể phân biệt được thông tin cho mình, sau đó mới quyết định có nên hay không chia sẻ thông tin, bấm nút like hay không, bình luận thông tin hay không…
Các em cần được xác minh được nguồn tin, học cách chia sẻ thông tin đúng và ứng xử thông minh sẽ khiến cho thông tin sai lệch được ngăn chặn kịp thời, còn thông tin đúng sự thật, tích cực được chia sẻ theo hướng tích cực cho cộng đồng…
Một học sinh trường THPT Nguyễn Du khẳng định, hiện nay mạng xã hội đang phát triển, giới trẻ cần xử lý thông tin thông minh, cần phân biệt thông tin đúng, sai, thông tin sai lệch cần ngăn chặn. Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo để xử lý thông tin phù hợp…
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian qua, mạng xã hội phát triển, học sinh hầu như đều có điện thoại.
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng, các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các tổ chức phản động, dễ bị lợi dụng, dễ xung đột cá nhân trên mạng, từ đó dễ mâu thuẫn từ môi trường mạng đến ngoài đời thực”.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh Phú, thời gian vừa qua, trường THPT Nguyễn Du luôn sử dụng fanpage để học sinh có cơ hội chia sẻ thông tin với nhà trường. Đồng thời, là nơi để các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của mình với bạn bè, thầy cô.
Qua những thắc mắc của các em, trường cũng nắm được tâm tư các em, để từ đó có thể điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với các em. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội giúp các phong trào từ Đoàn trường đến học sinh hiệu quả, nơi gắn kết các em với nhà trường hơn.
Ông Phú cho rằng, đằng sau mỗi nút like, mỗi nút chia sẻ, bình luận từ một bài viết trên mạng xã hội đều có mục đích ý nghĩa riêng. Do đó, học sinh cần tỉnh táo, cần có kỹ năng để phân biệt nhằm ứng xử thông minh hơn trong thời đại số.
Trước đó, học sinh trường này cũng được dạy nhiều kỹ năng sống liên quan thiết thực như: Kỹ năng giao tiếp cùng con, hay học sinh được dạy học thực hành đi đôi với lý thuyết để có cơ hội vận dụng kiến thức từ sách vở vào thực tiễn nhiều hơn…
Nguyễn Lành