Hàng loạt vụ học sinh tự tử xảy ra, mới nhất là vụ một học sinh nữ đã treo cổ tự tử trong lớp học tại trường THCS Tân Lâm (Thạch Tân, Thạch Hà) khiến nhiều bậc phụ huynh, hoang mang lo lắng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chi nhánh công ty Giáo dục Kidstime tại TP.HCM nhận định: “Việc một người phải chọn giải pháp tự kết liễu đời mình, nhất là với các em học sinh, đã cho thấy một sự gãy đổ nặng nề về nhận thức trong tâm hồn với rất nhiều lý do khác nhau – từ việc chạy trốn những thử thách trong cuộc sống mà các em không đủ sức đối diện cho đến việc xem đó là một hành vi “trả thù” với những người đã đè nén, áp bức một cách bất công mà các em không thể chống lại”...
Cũng theo lý giải của chuyên gia Lê Khanh, chúng ta thường cho rằng, các em là những kẻ yếu đuối hay hèn nhát, không đủ dũng khí hay sự kiên nhẫn... Có khi lại cho rằng đó là một hành động thiếu suy nghĩ, nông nổi do không có kỹ năng sống. Tuy nhiên, cần phải xem xét từng trường hợp, với những nguyên nhân khác nhau từ bên ngoài thì có khi lại thấy rằng việc hủy hoại bản thân lại là một điều tất yếu. Chính vì thế, đó sẽ là một tiếng chuông báo động về sự ô nhiễm “môi trường tâm lý” mà các em nói riêng, các học sinh của chúng ta nói chung hiện nay đang phải gánh chịu.
Liên quan đến thực trạng một số trường hợp học sinh có học lực giỏi và được đánh giá không phải chịu nhiều áp lực từ việc học cũng tìm đến cái chết khiến dư luận hoang mang, chuyên gia tâm lý Lê Khanh đánh giá: “Trong số các em đi tìm cái chết, ở đây có khi là sự giải thoát hay trốn chạy thực tế… thì yếu tố học giỏi lại không đồng nghĩa với năng lực chịu đựng cao. Đôi khi chính vì sự học giỏi đó lại tạo ra những áp lực từ gia đình và từ chính bản thân, đã tạo ra những nội kết ngày càng nặng nề hơn khiến cho các em không đủ sức chịu đựng. Ban đầu, chỉ là những rối nhiễu tâm lý như cáu gắt, chống đối... dần dần đến mức trầm cảm, tự cô lập, bỏ ăn, mất ngủ... mà vẫn chưa nhận được sự quan tâm của gia đình và cuối cùng là một cái chết đã được báo trước.
Mỗi cái chết đều có thể bắt nguồn từ những lý do khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố chung chính là những biểu hiện “báo động” mà người thân cần phải lưu ý từ những thay đổi trong hành vi, cách sống. Sự lo âu, mất ngủ hoặc thái độ dửng dưng trước các tác động của người thân kèm theo các rối nhiễu tâm lý. Vì thế, không nên chờ "nước đến chân mới nhảy" mà cần phải có những biện pháp phòng ngừa".
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, biện pháp phòng ngừa tốt nhất đơn giản ở 4 từ "tử tế - kiên quyết- yêu thương và tôn trọng". Tử tế chứ không bảo bọc – kiên quyết chứ không áp đặt – yêu thương chứ không đòi hỏi và tôn trọng chứ không nuông chiều.
Ngoài ra, không chỉ là gia đình mà nhà trường còn phải có những biện pháp cụ thể về việc xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường một cách hợp lý, không chạy theo những thành tích ảo, không tạo điều kiện cho bạo lực học đường phát sinh nhiều hơn. Chỉ như thế, những cái chết, đôi khi chỉ vì những nguyên nhân rất… đơn giản sẽ không còn là những nỗi đau cho gia đình và những mất mát cho xã hội.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã đưa tin, vào khoảng 8h ngày 3/1, các học sinh lớp 7A, trường THCS Tân Lâm đến phòng Tin học để học. Khi quay trở lại lớp, các em bàng hoàng phát hiện em L. đã tử vong trong tư thế treo cổ tại cửa sổ và có để lại thư tuyệt mệnh. Sự việc khiến các học sinh gào khóc ầm ĩ. Nghe thấy vậy, các thầy giáo đã chạy đến và nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng. Ngay sau đó, công an có mặt phong tỏa hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc.