GS Ngô Bảo Châu quan niệm một tập thể học tập cũng giống như một “cuộc chơi”, đều phải có “luật chơi” lành mạnh. Trong cuộc chơi đó, chính sự cạnh tranh sẽ tạo ra nỗ lực để mỗi người tự vượt lên chính mình. Cuộc chơi nào cũng cần phải có trọng tài điều khiển và nắm luật lệ.
Để minh chứng cho điều này, GS Ngô Bảo Châu đã nhận xét về vụ gian lận thi cử tại Đồi Ngô: “Đây là một sự kiện đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”.
Ông cũng cho rằng, sự việc đó thực sự là câu chuyện rất buồn và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống.
GS Ngô Bảo Châu(Ảnh: Phan Chính)
“Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân mà cần bình tâm suy nghĩ bởi để sự việc xảy ra cần có sự can thiệp của rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nền giáo dục đã không tuân thủ luật chơi”. GS Ngô Bảo Châu nhận định.
Sự việc này theo GS Ngô Bảo Châu chính là điều không đáng có khi “Kết quả kỳ thi tốt nghiệp đáng ra phải được thực hiện nghiêm túc, đánh dấu quá trình lao động, học tập của học sinh lại trở thành một trò đùa, một trò đùa mà chúng ta muốn khóc”.
Qua câu chuyện về vụ việc gian lận thi cử tại Đồi Ngô, GS Ngô Bảo Châu cho rằng học sinh cần phải có sự trung thực trong học tập, giáo dục. Hành vi này khó học được trong sách vở nhưng lại hình thành trong chính cuộc sống hàng ngày.
GS Ngô Bảo Châu không quên nhấn mạnh: “Như vậy, chính bản thân người lớn cần phải trung thực trước, từ đó mới có thể trở thành tấm gương tốt cho thế hệ trẻ noi theo”.
Hiện nay, rất nhiều nhà trường ở Việt Nam đề cao việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu lại cho rằng trẻ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ phía gia đình.
Vị giáo sư này cho rằng việc học chính là việc tiếp thu các giá trị cốt lõi của nhân loại. Việc học làm người theo nghĩa hẹp chính là học kỹ năng sống, học nghệ thuật sống và các hành vi văn minh.
GS Ngô Bảo Châu quan niệm rằng, trẻ em bị ảnh hưởng nhiều từ hành vi của người lớn trong gia đình. Ông cũng lấy ví dụ từ chính bản thân gia đình mình: “Vợ chồng tôi ít xem vô tuyến, vì vậy con cái của chúng tôi cũng không xem.
Nếu có thời gian rảnh thì chúng thường thích đọc sách hơn. Như vậy có thể thấy người lớn cư xử hôm nay như thế nào thì trẻ em sẽ có hành vi như vậy. Nếu người lớn có hành vi đúng thì trẻ không cần học kỹ năng sống mà vẫn có thể tạo được nhân cách tốt”.
N. An - N. Thúy