"Giật mình vì con viết văn tả mẹ, nhưng là mẹ của ai..."
Điểm chung của những phản ánh này là tình trạng con em họ đang bị giáo viên biến thành những chú vẹt khi yêu cầu các em học thuộc bài văn mẫu hoặc bài văn cô cho chép để… đi thi học kỳ. Không đồng tình với cách cô giáo dạy học sinh học thuộc văn mẫu, nhiều phụ huynh cho rằng, văn là cảm xúc, là quan sát và được thể hiện bằng ngôn ngữ viết. Khi viết chính là lúc trẻ thể hiện suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc của mình. Việc để trẻ viết đúng như những gì chúng nghĩ, cha mẹ, thầy cô chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, là cách để chúng phát triển tư duy sáng tạo.
Chị Kim Anh (Hà Nội) tỏ rõ sự thất vọng: “Giáo viên bây giờ không lấy những bài văn mẫu trong sách, mà họ “cao tay” hơn, ra một đề bài yêu cầu các em học sinh làm. Sau đó, cô sẽ sửa lại và yêu cầu học sinh học thuộc, khi thi sẽ chép y nguyên bài văn đó. Như con tôi, trước khi thi cô sẽ cho một loạt các bài tập mẫu, các con chỉ việc làm thành thạo các dạng bài đó rồi đi thi thôi. Con gái tôi hôm trước có bài tập làm văn tả mẹ, bé tả về mẹ theo ý nó.
Vài hôm sau bé đưa cho tôi 1 mẩu giấy trong đó cô giáo đã đánh sẵn một đoạn văn tả về người mẹ của ai đó và yêu cầu con đổi lại tuổi, nghề của mẹ của mình. Tôi sửng sốt liền hỏi con: "Mẹ là mẹ của con, con tả mẹ bằng văn của con thì có gì không đúng mà cô lại bắt con chép y nguyên tả mẹ một ai đó rồi đổi tên, tuổi, nghề đi thế?". Con trả lời: “Cô bảo thế mẹ ạ”. Nhiều lần tôi cố gắng để con có sự sáng tạo và làm theo ý nó nhưng con nhất định không chịu, vì chúng nghĩ làm như vậy sẽ không đúng với đáp án mà cô đã cho trước đó”.
Chị Kim Anh cho hay, chị không quan trọng điểm số của con, nhưng việc để con học theo kiểu rập khuôn thì chị cảm thấy buồn. Bởi, văn là cảm xúc, là quan sát và được thể hiện bằng ngôn ngữ khi viết, cô giáo nên để con bộc lộ cảm xúc của chúng, sai thì sửa chứ bắt học sinh viết theo cô thì gọi gì là học nữa.
Chị Nguyễn Lan Anh cũng phản ánh: "Con nhà tôi làm bài văn tả mẹ, cứ nhất định phải viết rằng: Mẹ tóc dài, da trắng hồng. Mà soi vào gương, tóc mẹ ngắn cũn, da đen nhẻm. Nói thế nào, con cũng nhất quyết không, vì... cô dạy thế kia cơ, điên ruột quá, chả biết trách con mình hay trách cô nữa".
Lại có phụ huynh than phiền: "Sáng nay đi làm tôi gặp một việc mà thấy bất ngờ quá. Phía trước xe tôi có 2 mẹ con chở nhau đi học. Bạn nhỏ ngồi sau đặt 1 tờ giấy đánh máy lên lưng mẹ và đọc. Tôi nghĩ: Ồ, chắc bạn này hôm nay đầu tuần phát biểu gì đó của trường nên đang đọc lại cho tốt đây! Đi đến gần, em giật mình, đây là 1 bài văn dài đã được đánh máy rõ ràng để các con học thuộc!".
Không thuộc văn mẫu sẽ bị... phạt?
Bài văn mẫu không chỉ là những bài trong sách mà bài do chính các em viết, được cô chỉnh sửa để học sinh học thuộc.
Chị Thu Hương (Long Biên, Hà Nội) bộc bạch: “Con tôi năm nay học lớp 3 trước mỗi kỳ thi học kỳ cô giáo sẽ bắt con làm một bài văn tả con vật, cây cối… Khi con tả xong sẽ nộp lại cho cô giáo, sau khi cô giáo sửa xong thì dặn con về nhà học thuộc bài. Hôm sau đi thi đề bài lại đúng y như bài cô đã sửa, kỳ nào cũng vậy, tôi thấy các mẹ có con học tiểu học cũng hay kể lại câu chuyện tương tự”.
Chia sẻ thêm với PV, chị Nguyễn T.A. (có con học lớp 2 tại trường tiểu học Yên Hòa) cho biết, con chị đã thi xong cách đây hai tuần. Riêng môn Văn chị cho biết cô giáo cho bài văn mẫu về ôn: “Con tôi được cô giáo cho mấy bài văn mẫu về học thuộc lòng, sau chỉ việc bê nguyên hoặc thay đổi nghề nghiệp của mẹ là được. Các bé học thì tôi chắc lớp nào cũng giống nhau là đều được cô cho sẵn đề. Cô cho học trước cũng hay để con khỏi phải áp lực thi cử nhiều mà điểm số lại cao, con tôi chỉ được điểm 9, 10 còn các bé khác toàn điểm 10, 10”.
Chị Hoàng Hà, có con đang học tiểu học nói thêm: "Hôm nọ con nhà tôi bị cô phạt bắt ngồi học thuộc lòng bài tập làm văn tả ông nội, nhưng cháu không học và bị cô phạt. Về nhà tôi thấy bé cứ xị mặt ra khóc, tôi hỏi và con trả lời rằng: "Bài đó tả không đúng so với ông nội, ông nội vẫn phóng xe máy đi chơi, ông không chống gậy, ông không để râu dài, râu ông cạo nhẵn...".
Chị Minh Ánh có con học tiểu học cũng chia sẻ: “Bé nhà tôi được cô yêu cầu chép bài tả con chó về học thuộc. Mấy hôm sau cô kiểm tra con thuộc rồi nhưng bị quên mất 1 đoạn. Tôi bị cô gọi nói con thế nọ thế kia một tràng có vẻ tức bực lắm. Về nhà hỏi con, nó sợ không dám nói, tôi điên quá đánh con 2 roi. Mãi sau con mới nói: "Con biết làm văn tả con mèo, nhưng cô bảo con chép bài tả con chó...con đã thuộc nhưng khi cô hỏi con bị quên mất 1 đoạn"...
Chia sẻ nhiệt tình là vậy, bức xúc là thế, nhưng đa phần các bậc phụ huynh đều không đủ dũng cảm nói ra sự thật. Và hành trình đi tìm sự thật của PV báo Người Đưa Tin bắt đầu...
(Còn nữa...)
Mời quý vị độc giả đón đọc bài viết: Clip: Học thuộc văn mẫu, học sinh nói gì? (Kỳ 2) trên chuyên mục Đời sống, báo điện tử Người Đưa Tin vào 6h30 phút ngày 17/5/2017. |
Nhóm PV