Học tiếng mẹ đẻ trong... trại cai nghiện

Học tiếng mẹ đẻ trong... trại cai nghiện

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

(Nguoiduatin.n) Vào quán karaoke không biết chữ, không thể hát, bạn gái chê, Lường Văn Khó tìm đến thuốc phiện, rồi khi vào trại cai nghiện, anh mới bắt đầu học tiếng mẹ đẻ.

Đến tuổi "tri thiên mệnh" mới biết viết tên mình

Những nguyên cớ phải vào Trung tâm Giáo dục Lao động huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) của các học viên rất khác nhau nhưng họ đều chung một điểm, lần đầu tiên viết được tên mình bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Kinh là từ lớp học trong trại cai nghiện.

Lớp học có 45 học viên nam, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Người trẻ tuổi nhất mới đôi mươi, còn nhiều tuổi nhất đã vào ngưỡng "tri thiên mệnh". Họ đa số là người dân tộc thiểu số như H'mông, Xa Phó, Thái... ở các địa phương vùng cao của tỉnh Sơn La. Cuộc sống nơi bản làng vùng biên giới khó khăn, cái nghèo, cái đói đeo đẳng khiến họ "xa" cả tiếng mẹ đẻ.

Khi đến trung tâm này, những câu chuyện về con đường đến với thuốc phiện của các học viên khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Nó đều bắt nguồn từ việc không biết chữ của sự lạc hậu mà ra.

Ông Vàng A Ly (bản Phiêng Piềng, xã Mường Giạch, huyện Sông Mã, Sơn La), học viên cao tuổi nhất trong lớp xóa mù chia sẻ: "Bản mình ở nơi hẻo lánh, nếu đi xe máy từ bản ra trung tâm xã cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ. Thế hệ mình hầu như cả bản không ai biết chữ. Bây giờ, trẻ con trong bản cũng có mấy đứa được đi học thôi, mà đi học xa lắm.

Mình có 6 người con, bây giờ chúng nó đều đã lớn có gia đình riêng cả rồi. Chúng đều biết chữ cả". Con cái có gia đình riêng, ở nhà buồn, thế là ông lấy thuốc phiện làm "bạn" từ năm 2007.

Xã hội - Học tiếng mẹ đẻ trong... trại cai nghiện

Ông Vàng A Ly đang nắn nót tập viết từng con chữ

Đôi mắt đã mờ, cái tay cầm bút không vững, nhưng cái bụng ông vẫn còn muốn học. Ngày ngày, ông cần mẫn từng nét từng nét một như đứa trẻ lớp một. Vì không biết chữ nên từ trước đến giờ, để ký xác nhận các giấy tờ, ông chỉ dùng tay điểm chỉ. Những giấy tờ như sổ đỏ, hay những giao dịch quan trọng, ông toàn phải nhờ con cái hay bọn trẻ trong bản biết chữ đọc cho.

Ở cái tuổi đã lên chức ông, phải vào trại giáo dục lao động vì nghiện, ông Ly cứ tưởng đời mình thế là chẳng còn gì. Nhưng giờ ông bảo: "Cái đầu tự nói với cái bụng, thôi cố cai nghiện thuốc phiện cho vợ con bớt khổ. Mình còn được học chữ nữa, về nhà mình có thể đọc được".

Và ở cái tuổi 54, lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Ly mới được cầm đến cây bút viết, học từng chữ cái a, b, c… Sau gần năm tháng học chữ, ông Ly đã có thể tự viết tên mình, dù nó ngệch ngoạc, xiên vẹo. Cũng đến lúc này, ông Ly và những người cũng cảnh ngộ mới bắt đầu ê a đọc " Quê hương là gì hở mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều…".

Nghiện thuốc phiện vì không biết chữ

Mỗi một học viên trong lớp lại có những câu chuyện riêng. Chẳng hạn, anh Lường Văn Khó (34 tuổi, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu) cũng vì không biết chữ chán đời mà tìm đến thuốc phiện. Khó kể, ngày xưa bố mẹ cho đi học nhưng lớp học xa nhà, lại mải chơi nên Khó toàn trốn học. Khi lớn lên không biết chữ, không đọc được biển báo hiệu giao thông, cứ thấy đường là đi nên cứ gặp cảnh sát giao thông là bị tuýt còi. Thế là bị phạt! Để có bằng lái xe, Khó cũng phải nhờ người thi giúp.

Khó kể, ngày trước bạn bè rủ đi hát karaoke, vào quán hát ai cũng cầm micro hát rất vui vẻ, chỉ có Khó vì không biết chữ nên ngồi một mình uống rượu. Bạn gái thấy Khó không hòa nhập nên chẳng yêu, thế là Khó buồn, tìm đến thuốc phiện. Từ ngày vào Trung tâm Giáo dục Lao động, Khó được tham gia lớp học xóa mù chữ.

"Giờ thì mình biết "kin khẩu" trong tiếng Thái của mình là "ăn cơm". Không chỉ đọc mà mình còn viết được nữa. Sách báo trong trung tâm mình mượn về đọc thấy bao nhiêu cái hay, cái tốt mà trước đây không biết. Giờ mình chỉ muốn sớm được "pay hươn" (về nhà) với bố mẹ và có thể đi hát karaoke với bạn bè được rồi!".

Những từ tiếng Thái mà Khó thêm vào trong khi trò chuyện khiến các thầy cô dạy ở đây vừa dịch, vừa cười với chúng tôi. Họ như một đứa trẻ tập nói, muốn "khoe" với người nghe những từ mới học được bằng niềm vui hồn nhiên của trẻ nhỏ.

Từ khi mở lớp học năm 2006 đến nay, 223 học viên đã hoàn toàn được xóa mù chữ. Những học viên sau khi học lớp xóa mù có thể đọc, viết được. Anh Phạm Đức Phương - một giáo viên tham gia dạy các học viên cho biết: "Đến với lớp học trong trung tâm, tôi không nghĩ rằng họ lại trật tự và học một cách say xưa, nghiêm túc như thế. Những người theo học ở đây rất thích học, hăng hái phát biểu trong trong lớp. Nhiều người sau khi biết viết còn viết thư cảm ơn thầy cô xúc động lắm!".

Chị Ngô Việt Bích - một giáo viên dạy tại trung tâm chia sẻ thêm: "Các học viên ở đây chủ yếu là người đã có tuổi, việc tiếp thu của họ rất khó khăn. Nhiều người học 4 tháng mới biết đánh vần nhưng hầu hết đều rất thích và cố gắng để học.

Nhiều lúc thấy dạy mãi mà học viên không biết cũng nản lắm nhưng thấy họ cần cù, chịu khó lại chứng kiến niềm vui của những người biết chữ, mình như được khích lệ thêm…".

Con chữ và giá trị sống

Đọc những lá thư mà học viên lớp xóa mù viết cho vợ con, chúng tôi dường như cảm nhận được rõ ràng niềm vui được biết chữ của họ. Biết cái chữ cũng có nghĩa là, từ nay cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn và không còn bị ma túy đeo bám. Từ trong trại cai nghiện, với bao khổ cực của cuộc đời, nhờ việc học chữ, những con người một thời lầm lỗi này sẽ dần nghiệm được những giá trị sống cho riêng mình. Cái chữ sẽ như liều thuốc giúp họ vượt qua những chuỗi ngày tăm tối để sống tốt hơn sau khi cải tạo.

Đỗ Thơm - Diệp Hương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.