Nhiều comment (bình luận) bày tỏ sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ bởi hành động quá dã man của ba cô gái. Bên cạnh đó, những giọt nước mắt đã chảy, vì hành vi tàn nhẫn kia, biểu hiện bằng những bình luận như: “Xem video này mà chảy nước mắt vì chú chó con tội nghiệp kia! Rớt nước mắt vì không ngờ đồng loại của chúng ta lại mất nhân tính đến thế!”.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng mạng đắng lòng chứng kiến những đoạn clip hành hạ thú vật đến chết của những người thích những trò… bệnh hoạn, nhưng vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc. Phản ứng lại cái xấu, cái ác, lên tiếng mạnh mẽ trước hành vi dã man đối với đồng loại và chúng sinh khác là một trong những dấu hiệu cho thấy người trẻ không vô cảm, không thờ ơ trước những nỗi đau.
Rớt nước mắt trước điều đau thương của người khác, loài khác là biểu hiện của lòng từ bi hiện diện, nhưng thiết nghĩ cũng cần bình tâm suy nghiệm sâu sắc về nhân-duyên nghiệp báo, về sự chi phối của nghiệp lực sâu dày nơi các loài với nhau để chỉ nhìn bằng đôi mắt thương yêu mà thôi, không để những hạt giống sân giận chi phối, khiến mình mất tự chủ, có những phát ngôn cũng… thiếu từ bi. Sở dĩ, nói như vậy là vì có nhiều comment chửi rủa những người xấu ác một cách thả ga, đã miệng, phản ánh bên trong nội tâm đang “sôi sục”. Khi ấy, dù ta nhân danh bảo vệ cái tốt, đứng về phía lương thiện nhưng kỳ thực lòng mình bất an thì cái thiện mà mình đeo đuổi ấy cũng không trọn vẹn.
Theo tinh thần thực tập lời Phật dạy của người Phật tử, nhất là Phật tử trẻ, ngày ngày vào mạng xã hội cũng nên bình tĩnh trước những biểu hiện không tốt, xấu ác xung quanh, trui rèn bản lĩnh kiềm chế, chuyển hóa cảm xúc. Quán niệm về nhân quả và khởi lòng thương những người mê muội, không biết nhân quả, gây tạo những điều bất thiện, lại còn truyền hình ảnh đó đi như một sự thách thức chính là việc mà mỗi Phật tử phải làm, cần thiết phải làm chứ không phải “té nước theo mưa”, thấy mọi người hầm hố, chửi rủa thì mình cũng “góp giọng” để chửi giống mọi người... Sống được vậy mới phải là tinh thần hòa ái của Phật dạy.
Theo Giác Ngộ