Sau vụ trâu chọi húc chết chủ tại Đồ Sơn, dấy lên luồng ý kiến nên loại bỏ lễ hội mang tính chất kinh doanh, bị bóp méo bởi thị hiếu. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS. Trần Lâm Biền.
PV: Tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng vừa qua đã xảy ra sự cố hi hữu khi một chủ trâu thiệt mạng khi tham gia thi đấu. Phải chăng đây là “giọt nước tràn ly” cho sự biến tướng của lễ hội, thưa GS?
GS. Trần Lâm Biền: Lễ hội phải gắn với vũ trụ quan và nhân sinh quan, nhưng ở đây, chọi trâu chỉ đáp ứng nhận thức hay yêu cầu hèn kém của con người. Chọi trâu lâu nay đã chuyển hóa thành kinh doanh thì không nên xem là lễ hội nữa.
Tôi xin thẳng thắn nói rằng, chọi trâu hiện nay là để phục vụ nhu cầu kinh tế và thị hiếu không gắn với tâm linh. Cách thức tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay đang có sự biến tướng và chúng ta cần nghiên cứu hình thức phát huy giá trị văn hóa, ý nghĩa tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.
PV: Như GS vừa nói, lễ hội chọi trâu đang biến tướng và mang nặng tính kinh tế. Theo GS, có nên giữ hội chọi trâu?
GS. Trần Lâm Biền: Thực tế nhiều năm nay, lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn chỉ chú trọng phần hội (chọi trâu) mà không chú trọng những giá trị tinh thần, nghĩa là không làm đúng, không phát huy giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa của lễ hội chọi trâu.
Lễ hội chọi trâu đầy chất văn hóa, mang giá trị biểu tượng. Muốn gìn giữ, phát huy được giá trị của lễ hội, phải hiểu lễ hội chọi trâu là gì. Lễ hội chọi trâu bản chất là một hoạt động văn hóa, để cầu sóng yên biển lặng. Đôi sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ.
Trước đây, tại lễ hội chọi trâu, chỉ có con trâu thắng cuộc là được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Thế nhưng, trải qua thời gian, hoạt động văn hóa này đã bị người đời sau ứng xử một cách hoàn toàn khác, trở thành một hoạt động thể thao, rồi cả kinh doanh kiếm lợi, bán thịt trâu với giá cao...
PV: Nhưng thưa GS, không chỉ riêng lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn mà rất nhiều lễ hội khác ngày càng thương mại hóa và tính man rợ cao. Xem ra, chúng ta đang ứng xử vô văn hóa với một hoạt động văn hóa?
GS.Trần Lâm Biền: Đúng là có hiện tượng thương mại hóa các lễ hội, đó là cách ứng xử vô văn hóa với một hoạt động văn hóa. Do đó, việc bạo lực và gây ra chết người là tất yếu! Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi vẫn còn duy trì được lễ hội mang đậm tính chất văn hóa.
Tôi lấy ví dụ, ở vùng Hiếu Giang, Thạch Hãn, Quảng Trị, cách bờ biển khoảng 10km, người ta chọi trâu bằng cách để hai người đàn ông khỏe mạnh đội 2 đầu con trâu giả vào để húc nhau. Lúc đó, hiện tượng chọi đã được nhân lên thành giá trị văn hóa nhất định. Và những giá trị tốt đẹp đó cần được tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân, trong phần lễ của lễ hội chọi trâu để du khách cũng như người dân hiểu.
Lễ hội chọi trâu ngày nay chỉ giữ lại tính hội (chọi trâu) chứ không giữ gìn phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ, núp bóng là tinh thần thượng võ, nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền.
Ngày nay, thịt của các con trâu chiến thắng được bán với giá vài triệu đồng/kg. Nếu hiểu giá trị lễ hội chọi trâu với tính thiêng liêng, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì mới là văn hóa. Nếu không, chỉ là sự hiếu kỳ, tính tàn bạo và là sản phẩm vô văn hóa, lợi dụng truyền thống, làm méo mó bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Theo GS, sau sự cố đáng tiếc vừa qua, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm gì để những lễ hội không bị bóp méo, trục lợi và giữ gìn được giá trị truyền thống?
GS. Trần Lâm Biền: Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền chưa đi sâu nghiên cứu vấn đề này, thế nên khi có sự việc xảy ra trở nên lúng túng trong xử lý. Tôi nghĩ rằng, phải hiểu sâu sắc, cặn kẽ thì mới có cách quản lý đúng đắn, rõ ràng và hợp lý nhất. Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội chọi trâu, cần khôi phục giá trị tinh thần, phần lễ của lễ hội và trả lại lễ hội về đúng không gian văn hóa của nó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS về cuộc trao đổi!
H.Lan - Đ.Thơm