Mãi không chịu lớn
27 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, gia đình có điều kiện, công việc ổn định nhưng Tùng vẫn là tâm điểm trêu đùa của bạn bè mỗi khi chuyện phiếm. Ngay từ những năm đại học, bạn bè đã biết Tùng là con một trong gia đình nên được nuông chiều quá đà. Mỗi khi bước chân ra đường, Tùng được mẹ sắp sẵn cho quần áo, giày dép, mũ nón. Bất kể món đồ nào Tùng diện trên người đều phải qua sự kiểm duyệt của mẹ. Chẳng thế mà câu chuyện "mẹ mua cho Tùng chiếc quần nhỏ" được truyền tụng râm ran cả trường.
Bạn bè cũ gặp lại luôn hỏi thăm về Tùng, câu hỏi đầu tiên luôn đi kèm với nụ cười: "Không biết bạn Tùng đã lớn chưa?". Và tất cả đều có câu trả lời khi lớp đại học quyết định họp lớp. Tùng đã đồng ý tham gia và đóng tiền, nhưng đến ngày họp thì cậu điện cho lớp trưởng thông báo: "Cho tớ xin lại tiền vì mẹ tớ không cho đi".
Thế là Tùng thành giai thoại của cả lớp. Không có mặt Tùng, cậu bạn lại được lôi ra làm chủ đề bàn tán. Cả lớp nhớ lại chuyện vào năm thứ nhất, Tùng mời cả lớp về nhà chơi. Khi đến mới biết đó là bữa tiệc dành cho mẹ Tùng. Cô làm quen với tất cả bạn bè của Tùng, xin số điện thoại, và thỉnh thoảng gọi điện để nắm bắt tình hình của Tùng. Cô bạn lớp trưởng vẫn còn nhớ lại kỷ lục 1 ngày 5 cuộc điện thoại của mẹ Tùng làm cô có cảm giác như bị khủng bố.
Việc bố mẹ quá bao bọc con cái khiến chúng trở thành trẻ con sống lâu năm (ảnh minh họa)
Hiện tại, cậu bạn nổi tiếng nhất lớp mặc dù đã đi làm nhưng công việc là làm trong công ty của người quen. Sáng đi làm vẫn mẹ là lượt quần áo, hết giờ làm là về nhà ăn cơm mẹ nấu sẵn, ngày nghỉ xin phép mẹ ra cửa hàng điện tử chơi PS. Chưa ai từng nghe thấy Tùng có bạn gái, mặc dù bạn bè trong lớp đã nhiều đứa lập gia đình. Hỏi kỹ ra mới biết, mẹ Tùng trước đây là một giáo viên mầm non, có lẽ đó là lý do vì sao cậu bạn cứ như trẻ con mãi.
Trường hợp của Tùng không phải ngoại lệ, T.L. cô bé hàng xóm xinh như "hotgirl" được bố mẹ vô cùng chiều chuộng. Cần phải nói là cô bé rất ngoan nhưng học hành thì hơi chậm. Nhưng với "tiềm lực" của gia đình, T.L. vẫn tốt nghiệp đại học và có trong tay vài chứng chỉ tin học và tiếng Anh.
Với những lợi thế như vậy, T.L. rất thuận lợi khi tìm việc làm. Thế nhưng sau khi ra trường, trong khi các bạn vác hồ sơ đi "rải" hết chỗ này tới chỗ khác thì T.L. vẫn chỉ ở nhà lướt web, đọc sách, xem phim, làm đẹp và đi chơi với lý do: "Bố mẹ sẽ kiếm việc cho em, khi nào có thì em đi làm thôi, không cần phải lo lắng. Giờ cứ tranh thủ ăn chơi nốt chị ạ". Mỗi lần nhắc tới, mẹ T.L. chỉ thở dài: "Có lẽ vì được cưng chiều từ nhỏ nên nó có tính dựa dẫm, cái gì bố mẹ cũng làm cho hết. Giờ hơn 22 tuổi rồi, nó vẫn chưa biết gấp chăn màn, giặt quần áo hay nấu cơm... chứ chưa nói gì đến việc bươn chải với đời để kiếm tiền".
Là kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu, chồng là giám đốc công ty tin học nên gia đình cô V., mẹ T.L. rất khá giả. Vốn xuất thân từ tỉnh lẻ, gia cảnh khó khăn nên bố mẹ T.L. phải phấn đấu rất nhiều mới có được vị trí ngày hôm nay. Cô V. không thể quên được những ngày vất vả ở quê khi phải làm cỏ, hái rau để có tiền ăn học nên đã có của ăn, của để, cô V. quyết định không để con cái thua kém ai. T.L. từ nhỏ được dạy biết "sành điệu". Có ai thắc mắc, cô V. thường trả lời : "Thời mình sống khổ quá rồi thì phải cho con cái sung sướng".
Già người non dạ
Các bậc phụ huynh nên tự trả lời Chuyên gia Hồng Hà cũng đưa ra giải pháp, để tránh tình trạng này, mỗi phụ huynh nên tự hỏi mình một vài câu hỏi để biết mình có phải là cha/mẹ nuông chiều con quá mức: Thái độ của tôi đối với con cái có ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng hay không? Chuyện tiêu pha cho một hay mấy đứa con có làm cho ngân quỹ gia đình bị thiếu cân bằng? Chiều chuộng con cái là vì mình (để yên thân) hay vì trẻ? Sự cưng chiều con có thể gây ảnh hưởng có hại cho trẻ và người khác, kể cả tôi, hay không? |
Trong những trường hợp kể trên, cả Tùng và T.L. hầu như không còn lấy một cơ hội, dù là nhỏ nhất, có được một khoảng không gian riêng để có thể tự do quyết định lấy những việc mình làm, có thể tự lập, ngang vai phải lứa với chúng bạn, không phải sống bám, dựa dẫm vào quyết định của bất kỳ ai khác.
Trường hợp của Tùng, cậu bạn như biết chấp nhận số phận, nhưng không biết đến bao giờ cậu mới trở về đúng tuổi của mình. Vì ai rồi cũng sẽ phải lấy vợ, có con. Và vì mẹ cậu không còn khỏe mãi để lo cho cậu từ A đến Z. Chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho biết: "Con cái "không chịu lớn" xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau, nhưng lỗi đầu tiên thuộc về người lớn. Bố mẹ ngay từ nhỏ đã ra sức uông chiều quá mức hay không rèn luyện cho con tính tự lập sẽ khiến trẻ đó sau này lớn lên nhưng tính tình vẫn như những đứa trẻ. Điều này khiến những thanh niên đó sống thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân, coi việc chăm sóc cho mình là nghĩa vụ và bổn phận của bố mẹ. Nhiều gia đình khá giả, bố mẹ không muốn con cái vất vả kiếm tiền ở bên ngoài nên khuyên con nghỉ việc, như thế là xót con không đúng chỗ. Chính sự yêu thương của người lớn theo cách này đã vô tình hạn chế khả năng phát triển và trưởng thành của con mình".
Bà cũng chia sẻ rằng hội chứng này, gần như chỉ ở Việt Nam mới có. Nguyên nhân bắt đầu từ nền văn hoá phương đông chú trọng gia đình. Trong gia đình, các bậc phụ huynh Việt thường luôn thấy con mình bé bỏng, cần được bảo vệ, che chở. Và họ đã ra sức bao bọc con với mọi phương pháp và hình thức. Chính sự bảo bọc cẩn thận thái quá này khiến trẻ không có điều kiện tiếp xúc với môi trường và cuộc sống. Điều này dẫn đến việc, trẻ trở nên thụ động, khả năng nhận thức và tư duy không có cơ hội phát triển, thậm chí là bị triệt tiêu với những quan niệm "trứng sao khôn hơn vịt"...
"Trên thực tế, để có được những thành công như ngày hôm nay, các bậc cha mẹ cũng đã từng nếm trải thất bại, gian khổ, hoàn thiện mình sau mỗi lần vấp ngã. Vậy tại sao họ lại tước đi cơ hội đó của con cái mình để úp vào chúng những chiếc lồng kính? Để con cái trưởng thành và tự đi trên đôi chân của mình luôn là cách dạy con đúng nhất", chuyên gia Hồng Hà kết luận.
Xuân Hoàng