Hội chứng người đang sống cho rằng mình... đã chết

Hội chứng người đang sống cho rằng mình... đã chết

Thứ 2, 22/04/2013 13:37

Bệnh Cotard, hay còn có tên gọi khác là bệnh "xác chết di động" là một trong những hội chứng rối loạn tâm thần kỳ lạ. Điểm đáng sợ của căn bệnh này là nó khiến người mắc bệnh rơi vào trạng thái "sống mà như chết", tức là họ tin rằng mình đã chết và không còn tồn tại trên đời nữa, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Bí ẩn mang tên “Xác chết biết đi”

Hội chứng bệnh Cotard còn được biết đến với tên gọi khác là chứng hoang tưởng Cotard hay hội chứng “xác chết biết đi”. Những người mắc phải hội chứng này tin rằng mình đã chết. Thực chất, hội chứng này được đặt theo tên của Jules Cotard (1840 - 1889), một nhà thần kinh học người Pháp. Năm 1880, Jules giới thiệu một trường hợp bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc căn bệnh này có tên là Mademoiselle X trong một buổi thuyết trình của ông. Mademoiselle X được cho là một người luôn căm thù bản thân, phủ nhận sự tồn tại của Chúa trời, của ác quỷ và phủ nhận cả sự tồn tại của một số bộ phận trên chính cơ thể mình. Không những thế, Mademoiselle X còn nghĩ rằng mình bị nguyền rủa và không thể có một cái chết tự nhiên như những người bình thường khác, bởi vậy, cô đã tuyệt thực đến chết.

Gia đình - Hội chứng người đang sống cho rằng mình... đã chết

Người bệnh Cotard thường cho rằng mình đã chết

Một trường hợp khác cũng được ghi nhận mắc hội chứng "xác chết di động", đó là một bệnh nhân bị chấn thương sọ não sau một vụ tai nạn xe máy. Vào tháng 1/1990, khi từ bệnh viện Edinburgh (Scotland) trở về nhà, bệnh nhân này đã cùng gia đình chuyển đến Nam Phi. Tuy nhiên, người này đã khăng khăng với mẹ rằng anh ta đang sống ở địa ngục và anh đã qua đời vì bị nhiễm trùng đường huyết hoặc mắc một căn bệnh nào đó như AIDS hay bệnh sốt vàng da. Tất nhiên, mẹ anh ta cho rằng anh ta bị hoang tưởng vì chấn thương sọ não.

Vào năm 2005, một bệnh nhân nhí 14 tuổi cũng bị căn bệnh này hành hạ. Theo báo cáo của tiến sỹ D.N. Mendhekar và tiến sĩ N. Gupta trong tạp chí Nhi khoa của Ấn Độ, bệnh nhân 14 tuổi này vốn có tiền sử bệnh trầm cảm. Bệnh nhân này luôn miệng nói về cái chết của chính mình, trong khi đó, chức năng sinh học của cô bé cũng bị xáo trộn. Bệnh nhân này cũng cho rằng, tất cả mọi người đã chết, bao gồm cả cây cối và bản thân cũng là một xác chết. Thậm chí, bệnh nhân nhí còn cảnh báo thế giới sẽ bị hủy diệt chỉ trong vài giờ. Theo báo cáo của tiến sĩ Mendhekar và tiến sĩ Gupta, bệnh nhân này không có phản ứng với các kích thích đặc biệt và không quan tâm đến bất kỳ hoạt động nào khác trong cuộc sống.

Phía trên chỉ là một vài trường hợp điển hình cho căn bệnh quái dị, hội chứng Cotard. Ngày càng có nhiều trường hợp mắc hội chứng Cotard được ghi nhận trên thế giới. Có những người tin rằng mình đã mất toàn bộ máu và cơ quan trong cơ thể, trong khi một số khác lại cảm thấy mình đang trong quá trình bị thối rữa. Đôi khi họ còn hết sức ngạc nhiên khi thấy mình chưa được người thân chôn cất, mà cứ để họ đi lại vật vờ, không có biểu hiện của "sự sống".

Hầu hết các trường hợp bị mắc hội chứng Cotard đều được chẩn đoán kèm với chứng tâm thần phân liệt và trầm cảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong tình trạng rối loạn lưỡng cực (tình trạng lúc vui, lúc buồn thất thường). Tất nhiên, căn bệnh này hoàn toàn là ảo giác, nhưng thể chất cũng là một phần nguyên nhân chính gây nên căn bệnh kỳ lạ này. Vùng não liên quan đến nhận diện khuôn mặt đã bị "mất kết nối" hoàn toàn với những vùng não liên quan đến cảm xúc. Do đó, khi một người nhìn vào gương, họ nhận ra mình nhưng họ không có được phản ứng cảm giác thông thường. Diện mạo của họ đã bị "mất liên lạc" với tri giác về bản thân, và sự mâu thuẫn nhận thức này đã dẫn đến cảm giác người bệnh nghĩ mình không tồn tại hoặc đã chết.

Gia đình - Hội chứng người đang sống cho rằng mình... đã chết (Hình 2).

Người mắc triệu chứng Cotard thường cảm thấy hoang mang, ảo tưởng (ảnh có giá trị minh họa).

Nguyên nhân do lo lắng và mặc cảm tội lỗi?

Người mắc phải chứng bệnh này thường phải trải qua ba giai đoạn: Ủ bệnh, phát bệnh và trở thành mãn tính. Trong giai đoạn đầu, hội chứng Cotard có đặc điểm là khiến cho người bị bệnh thường có cảm giác mơ hồ, lo lắng, hoang tưởng và trầm cảm tại các khoảng thời gian khác nhau, có thể từ vài tuần cho đến nhiều năm. Thông thường, bệnh nhân sẽ có cảm giác ảo tưởng, cho rằng mình đã chết và "chối bỏ" sự tồn tại của các bộ phận trong cơ thể. Bệnh nhân sẽ mất dần cảm giác với thực tế và có khả năng tự tử cao. Ở giai đoạn phát bệnh, các triệu chứng sẽ nặng thêm và phát bệnh ra ngoài. Cuối cùng, tại giai đoạn mãn tính là ảo tưởng nặng và trầm cảm kéo dài.

Theo nhà nghiên cứu các chứng bệnh lạ Hans Debruyne và các đồng nghiệp, tỷ lệ mắc hội chứng này hầu như không được thống kê bởi nó quá khó tin. Chỉ đến khi có một nghiên cứu báo cáo về tỷ lệ số người đã và đang mắc hội chứng đáng sợ này thì các con số mới dần được tiết lộ. Tại Hong Kong, cứ 349 bệnh nhân thì có hai người được chẩn đoán là mắc hội chứng Cotard, chiếm 0,57% dân số nước này và số người cao tuổi mắc chứng trầm cảm ở quốc gia này chiếm 3,2%. Ở Mexico, một nghiên cứu gần đây cho thấy 0,62% bệnh nhân tâm thần mắc hội chứng Cotard và 0,11% bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh cũng có biểu hiện của bệnh Cotard.

Năm 1995, tiến sĩ G.E. Berios và tiến sĩ R. Luque đến từ trường đại học Cambridge, Vương quốc Anh đã thống kê 100 trường hợp hội chứng Cotard và đưa ra kết luận, không có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới cũng như độ tuổi có thể mắc bệnh Cotard. Theo báo cáo thống kê thu được thì người bị hội chứng Cotard thường là những người: Trầm cảm, luôn trong tình trạng lo lắng và mặc cảm tội lỗi. Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành thăm dò, phân tích và đưa ra báo cáo về ba loại triệu chứng Cotard, đó là triệu chứng khủng hoảng tinh thần, triệu chứng Cotard loại I và Cotard loại II. Mỗi loại có thể cần phải được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu này, bệnh Cotard có thể điều trị khỏi nhưng mất thời gian bằng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, chống ảo tưởng và an thần.

Gia đình - Hội chứng người đang sống cho rằng mình... đã chết (Hình 3).

Nhà nghiên cứu Hans Debruyne.

Không ăn vì nghĩ tim đã... ngừng đập!!!

Một người đàn ông 27 tuổi mắc triệu chứng Cotard cho biết, anh ta không thể ăn vì anh nghĩ rằng đường tiêu hóa của anh kết nối với trái tim và trái tim đã ngừng đập từ lâu. Triệu chứng bệnh này bắt đầu phát triển mạnh hơn khi anh ta có những biểu hiện đau nửa đầu. Các bác sỹ đã cố gắng chữa trị bằng cách cho anh ta dùng thuốc giảm đau nhưng chứng đau đầu vẫn không hề thuyên giảm. Sau hai năm, tình trạng bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi người đàn ông này trốn khỏi bệnh viện và có triệu chứng hoang tưởng, trầm cảm. Anh ta đã được cảnh sát đưa trở lại bệnh viện, lần này các bác sỹ chỉ định cho anh ta  dùng thuốc chống rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, chứng hoang tưởng vẫn "đeo bám" lấy người đàn ông này. Rồi các bác sĩ quyết định kết hợp 12 phương pháp điều trị ECT (phương pháp điều trị cho hội chứng Cotard), người đàn ông này đã hồi phục hoàn toàn.

Bằng nhiều phương pháp điều trị như chụp hình não, chụp cắt lớp hay điều trị bằng liệu pháp sốc điện (ECT) cộng với lòng kiên trì thì hội chứng Cotard quái dị sẽ dễ dàng bị "đá bay" ra khỏi những bệnh nhân khốn khổ.

Bệnh coi người thân là kẻ mạo danh

Liên quan tới Cotard còn có một hội chứng khác là Capgras, hội chứng của sự ảo tưởng khiến người bệnh cho rằng những người thân thiết của mình đều là những kẻ mạo danh. Hội chứng Capgras là rối loạn thường gặp nhất trong bốn loại tri giác hoang tưởng nguyên phát trong giai đoạn lâm sàng các bệnh nhân Alzheimer. Ngoài ra, hội chứng Capgras còn liên quan đến các biểu hiện loạn thần, rối loạn hành vi và đặc biệt là làm trầm trọng thêm tiến triển của suy giảm nhận thức ở các bệnh nhân Alzheimer.    

An Mai(theo NBC News/Scientific American)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.