Sự việc bùng lên sau khi chị H.T., một phụ huynh ở Ninh Bình, đăng 2 clip ghi cảnh nhiều trẻ mầm non cùng xông lên đánh bạn trước sự chứng kiến của giáo viên. Chị T. “tố” các cô giáo cho học sinh trong lớp "đánh hội đồng" con trai mình. Được biết, sự việc xảy ra tại trường mầm non Rainbow ở TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Cảnh trong clip cho thấy khi giáo viên đang hướng dẫn trẻ, cậu bé đứng tách ra khỏi lớp học.
Một lát sau, khoảng 10 trẻ khác vây đánh bé. Ba giáo viên có mặt tại phòng học không hề ngăn cản. Hai clip cùng bài đăng của chị H.T. khiến nhiều người bức xúc trước cách hành xử lạ lùng của giáo viên.
Tôi không đồng tình với số ít bạn đọc cho rằng chị này cần xem lại cách dạy con vì sự việc xuất phát từ việc con trai chị cắn bạn cùng lớp. Bởi lẽ, trẻ mắc lỗi là điều khó tránh, nhất là khi các con còn quá nhỏ, hiếu động.
Trách nhiệm của các cô trong hoàn cảnh ấy là phải dạy dỗ, nói cho bé hiểu việc cháu cắn bạn là sai. Phải dạy trẻ xin lỗi bạn, xin lỗi cô, và “làm hòa” với nhau. Tuyệt đối không cổ xúy cho các em có tư tưởng “trả thù” nhau. Hành động ấy không được phép xảy ra trong môi trường giáo dục, nhất là đối với lứa tuổi mầm non.
Mới hiểu, tại sao cậu học trò lớp 10 trường THPT Cao Bá Quát (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) dẫn nhiều người vào trường đánh thầy Khương Văn B. (Phó Bí thư đoàn trường) gãy xương mũi. Nguyên do chỉ vì hôm trước, em này đánh nhau với bạn và được thầy gọi vào can ngăn... Rõ ràng, không cần đúng sai, “đụng” đến là chơi “hội đồng” cho biết mặt!
Sau sự việc tại Ninh Bình, đương nhiên người lớn phải ngồi lại với nhau để xử lý. Ban giám hiệu trường Rainbow đã gửi lời xin lỗi và đang làm việc với phụ huynh để giải quyết, đồng thời yêu cầu giáo viên liên quan viết giải trình; Nhà trường sẽ tạm đình chỉ công tác dạy đối với 3 cô giáo để làm rõ sự việc, đồng thời yêu cầu các cô viết bản kiểm điểm. Phòng GD&ĐT TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Theo đó, ông Trưởng phòng nhận định, đây là lỗi về mặt kỹ năng sư phạm của các cô trong việc nuôi dạy trẻ.
Rất may sự việc chỉ xảy ra trong vòng chưa đầy 30 giây nên không có tổn thương đối với cháu bé. Đúng vậy, thân thể bé không bị tổn thương, nhưng hậu quả quá nặng nề. Nhiều phụ huynh lo rằng, sau hành động của các bạn, cộng thêm sự thờ ơ của cô giáo, vết thương lòng của bé chắc chắn sẽ không dễ dàng quên.
Trẻ em như búp trên cành. Câu nói đó có lẽ các cô là người hiểu nhất, bởi nhiệm vụ của họ không chỉ cho trẻ ăn, ngủ mà còn phải uốn nắn, dạy dỗ các con, góp phần định hình nhân cách chúng sau này.
Thử hỏi, 10 đứa bé xông vào vây đánh 1 bạn kia, nếu tiếp tục được dạy dỗ kiểu ấy, lớn lên, ai dám chắc chúng sẽ không thành những học sinh khó bảo, cá biệt, sẵn sàng đánh hội đồng bạn mình. Manh nha bạo lực học đường là đây chứ đâu xa.
Và nữa, thằng bé 4 tuổi bị các bạn vây đánh sau khi nó có lỗi, sau cơn hoảng sợ, nó sẽ lì đòn, mất lòng tin, xa rời tập thể. Đến cô giáo, người mà em hy vọng được chở che cũng dửng dưng trước hoàn cảnh ấy thì nó trông cậy vào đâu.
Vậy nên, muốn gặt hái “quả ngọt”, mỗi người lớn chúng ta hãy cố gắng là người trồng vườn chu đáo, tử tế và trách nhiệm.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Minh Ngọc