Trước những thông tin ông Chấn từng bị đánh đập, ép cung trong quá trình điều tra, đại tá Nguyễn Văn Chức chánh văn phòng công an tỉnh Bắc Giang bảy tỏ quan điểm: “Nếu điều tra viên nào làm như vậy là không đúng, không được phép làm. Còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào thì phải chờ điều tra, xác minh”.
Đại tá Nguyễn Văn Chức cũng cho biết Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Tổ làm án, cơ quan Cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo lại vụ việc. Đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập điều tra viên (trừ 1 điều tra viên đã mất) trong vụ án của ông Chấn để làm rõ sự việc.
Còn trách nhiệm chung, VKSND Tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh cũng như của tòa án từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về VKSND Tối cao.
Ngày 7/11, một lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang cho biết hội đồng xét xử vụ án 10 năm trước có 5 người (gồm 2 thẩm phán). Tuy nhiên, hiện 2 thẩm phán này chỉ còn 1 người đã chuyển sang làm thẩm tra viên là ông Nguyễn Minh Năng - chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Năng hiện đang phải điều trị bệnh tai biến mạch máu não. Người còn lại là ông Trần Văn Dư đã nghỉ hưu từ năm 2006.
Trả lời câu hỏi về việc VKSND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xem xét những điều tra viên làm công tác vào thời điểm xảy ra vụ án chưa, Bà Bùi Thị Ngân - phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Việc xem xét như thế nào là phải có chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. TAND Tối cao mới xét phiên tái thẩm chiều tối qua (6/11), quan điểm xử lý của viện thế nào thì còn rất dài và chưa thể trao đổi. Việc kiểm điểm để xem sai đến mức độ nào đang tiến hành. Những người có liên quan đã phải có báo cáo về vụ việc”.
Trước đó, ngày 6/11, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm của TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn tù chung thân về tội Giết người (đã có hiệu lực) bị tuyên hủy để điều tra lại vụ án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm sẽ gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.
Trong thời hạn 15 ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.
Như báo Nguoiduatin.vn đã có bài phản ánh về vụ việc cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Ngày 25/10, Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, được thả tự do về nhà.
Ngọc Linh (tổng hợp)