Tiến thoái lưỡng nan hay ngư ông đắc lợi?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang dựa vào đối tác Nga để ngăn chặn một cuộc tấn công vào Idlib, điều mà ông Erdogan cho rằng có thể phá hủy thỏa thuận Astana.
“Tôi đã yêu cầu sự can thiệp của ông ấy về vấn đề trên. Tôi hy vọng ông ấy sẽ làm những điều cần thiết”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau khi gặp Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi.
Trước đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng nhấn mạnh: “Idlib là mục tiêu của chúng tôi, nhưng không chỉ là Idlib. … Quân đội sẽ quyết định các ưu tiên cần thiết và Idlib chỉ là một trong những ưu tiên này”.
Sau khi thành công trong chiến dịch ở miền Nam, quân đội Syria đang tiếp tục chiến dịch tiến về Idlib để giải phóng thành trì cuối cùng của phe đối lập. Tuy nhiên, đứng trước sự lo ngại của phía Ankara, Tổng thống Putin được cho là đang cân nhắc việc có nên ủng hộ Damascus trong chiến dịch nói trên.
Trong khi Nga tiếp tục làm trung gian ngoại giao để điều phối mối quan hệ xung đột giữa Iran và Israel ở Syria, Tổng thống Putin cũng đang tiến hành nhiều bước đi để ngăn chặn sự leo thang ở miền Bắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria, tờ Al-Monitor khẳng định.
Theo các nhà phân tích, Ankara lo lắng một cuộc tấn công vào Idlib sẽ kích động làn sóng người tị nạn mới, vào thời điểm tình hình khu vực bắt đầu đi vào ổn định và 3,5 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị hồi hương.
Trong khuôn khổ Astana - một thỏa thuận giảm leo thang đã đạt được năm ngoái giữa Ankara, Moscow và Tehran - Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 trạm quan sát để ngăn chặn đụng độ giữa lực lượng quân sự Syria và các nhóm vũ trang hiện đang kiểm soát Idlib.
Nhiều người tin rằng việc triển khai này cũng là một phần của nỗ lực của Ankara trong việc giành được chỗ đứng quân sự trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của Đơn vị bảo vệ nhân dân Kurd (YPG) - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ là Hiệp định Astana đã không bao gồm các nhóm được Liên Hợp Quốc liệt kê là tổ chức khủng bố. Hayat Tahrir al-Sham (HTS) là một trong những nhóm này, và Nga, coi đây là một mục tiêu hợp pháp để có lý do hỗ trợ các cuộc tấn công của chính quyền Syria ở Idlib.
Ngoài HTS, ở Idlib đang bị chi phối bởi liên minh của al-Qaeda, nhóm chiến binh Ahrar al-Sham, phong trào Salafi, tàn dư của Lực lượng Quân đội Syria Tự do, được coi là phần nào đó có được sự chống lưng đằng sau của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Moscow, khu vực Idlib rất quan trọng bởi vì phần lớn các phần tử chống Nga ở Bắc Caucasus đang gây dựng hiện diện tại đây. Đây cũng là một khu vực mà các thiết bị không người lái (UAV) liên tục được phát động để tấn công căn cứ không quân Khmeimim của Nga, gây nguy hiểm cho nhân viên quân sự nước này.
Nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách tiêu diệt các lực lượng cực đoan ở bên ngoài là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch ở Syria.
Tuy nhiên, cách thực hiện như thế nào sẽ không phải là quyết định đơn giản và đây là chủ đề mà Moscow muốn thấy sự hợp tác của Ankara.
"Một cuộc tấn công trực diện không phải là ưu tiên của Nga vào thời điểm này", chuyên gia Maxim A. Suchkov nói trên Al-Monitor. “Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra quá nhiều biến chứng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bùng nổ một làn sóng tị nạn mới, làm suy yếu niềm tin của Ankara”.
Theo đó, Nga sẽ hạn chế sự hưng phấn của quân đội Syria trong việc tiếp tục giải phóng ở Idlib bằng một chiến dịch trực diện. Điều này có nghĩa rằng, quân đội Syria sẽ được đề nghị lựa chọn phương án giải phóng các vùng lân cận khỏi phe đối lập trong khi cố gắng tránh những xung đột không chủ ý với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự kiên nhẫn có giới hạn
Không phải ngẫu nhiên khi Idlib là chủ đề trung tâm tại hội nghị thượng đỉnh về Syria, do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì ngày 30-31/7 tại Sochi.
Trong khi tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến một thỏa thuận về Idlib, Alexander Lavrentiev, Đại sứ của Nga ở Syria, nói rằng "một hoạt động quy mô lớn ở Idlib vẫn đang là dấu hỏi" và "chúng tôi khuyến khích phe đối lập ôn hòa tích cực hợp tác với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và với Nga - để ngăn chặn bất kỳ mối nguy hiểm nào cho cả binh sĩ Nga ở căn cứ không quân Khmeimim và đối với lực lượng quân Chính phủ Syria.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không phải tham gia vào cuộc chiến toàn diện chống lại phe đối lập”.
Tuy nhiên, lập trường của Nga là một sự mơ hồ có chủ ý. Lavrentiev sau đó đã chỉ ra rằng Idlib “đang nảy sinh nhiều yếu tố có tác động tiêu cực đến tình hình nói chung và sự kiên nhẫn của Nga là có giới hạn”.