Vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại ở Ai Cập tạo nên cơn chấn động toàn cầu khi những phần tử cực đoan tấn công cả người Hồi giáo.
Số người chết sau vụ đánh bom và xả súng vào một nhà thờ Hồi giáo ở Bắc Sinai của Ai Cập đã tăng lên 305 người, theo thông tin mới nhất từ nhà chức trách nước này. Nhận định ban đầu, nhóm chiến binh tấn công nhà thờ Hồi giáo Al Rawdah ở Bắc Sinai gồm khoảng 25 đến 30 tên.
Một số nhân chứng cho biết, những tên này bất ngờ ập đến phong tỏa nhà thờ trên 5 chiếc ô tô địa hình. Chúng kích hoạt một quả bom khiến những tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện hoảng loạn bỏ chạy. Khi đó, các tay súng canh sẵn ở cửa bắt đầu xả đạn điên cuồng vào hàng trăm người một cách không thương tiếc.
Nhóm chiến binh này đeo mặt nạ và mặc quần áo quân sự, mang theo cờ đen của lực lượng IS, đồng thời hét lớn: “Không có bất cứ đấng tối cao nào khác ngoài Thánh Allah, Muhammad là sứ giả của Thánh Allah”.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tuyên bố sẽ đáp trả cuộc thảm sát đẫm máu ở Bắc Sinai bằng chiến dịch truy quét mạnh tay. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các máy bay chiến đấu của Ai Cập đã tiến hành các cuộc không kích vào "tiền đồn khủng bố", tiêu diệt hàng trăm phần tử cực đoan.
Trong những năm qua, bán đảo Sinai là điểm nóng nơi tình trạng bất ổn liên tục gia tăng do hoạt động của các nhóm phiến quân và tổ chức chân rết của IS. Bất ổn tăng cao từ khi Cách mạng Ai Cập bùng nổ năm 2011, chứng kiến chính quyền lâu năm của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.
Tình hình trở nên trầm trọng từ năm 2013 khi ông Sisi, khi đó là Tổng tư lệnh quân đội, lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và đàn áp phong trào Anh em Hồi giáo.
Nhà thờ Al Rawdah trở thành mục tiêu của cuộc thảm sát đẫm máu hôm 24/11 bởi đây là tụ điểm của các tín đồ thuộc Hồi giáo Sufi hay Sufi giáo, một nhánh của đạo Hồi mà một số phần tử thánh chiến tự cho là dị giáo.
Các nhóm phần tử cực đoan mang tư tưởng của IS trước đó thường tấn công vào các mục tiêu dân thường không phải người Hồi giáo. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Hồi giáo Sufi gần đây trở thành mục tiêu là bởi dòng Hồi giáo này được coi là một mối đe dọa phi quân sự đối với chúng.
Với một tư tưởng phi bạo lực và có bản sắc rõ ràng, chuyên gia phân tích Mohannad Sabry lý giải, Hồi giáo Sufi trở nên hấp dẫn đối với những người trẻ vốn là nguồn nhân lực mà IS rất khao khát tuyển dụng.
"Hồi giáo Sufi đang thành công trong việc thu hút hàng trăm thanh niên từ các tổ chức khủng bố theo cách mà chính quân đội cũng không làm được", ông Sabry, một nhà báo và là chuyên gia phân tích ở Sinai, cho biết. "IS muốn loại bỏ đối thủ về ý thức hệ chứ không phải là một đối thủ quân sự", chuyên gia này nhận định.
Khác với dòng Hồi giáo chính, Hồi giáo Sufi có sự khác biệt về giáo lý, tôn thờ các nhân vật và định hướng tín đồ có nét tương đồng với Thiên Chúa giáo. Với khoảng 15 triệu tín đồ trên toàn thế giới, Hồi giáo Sufi có chỗ đứng vững chắc trong lịch sử chính trị của các quốc gia Ả Rập.
Viết trên tờ Huffington Post, chuyên gia phân tích Sami Moubayed mô tả Hồi giáo Sufi có tính hướng thiện và giảng giải cho các tín đồ bằng tình yêu thương. Họ có các “công cụ tôn giáo, trí tuệ và sự khôn khéo về chính trị để đe dọa sự tồn tại của tư tưởng cực đoan IS". Ông lập luận rằng: "Đây chính là lý do tại sao họ bị tấn công”.
Các phần tử thánh chiến năm ngoái chặt đầu một nhà lãnh đạo Sufi và tuyên bố chống tín đồ Sufi là ưu tiên hàng đầu. Với vụ thảm sát tàn bạo lần này, cộng đồng Sufi giáo ở Sinai đang sống trong mối lo ngại phải chịu đựng nhiều cuộc tấn công trong tương lai.
IS không chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ tấn công lần này, nhưng các báo cáo cho biết, nghi phạm rõ ràng nhất một lần nữa là Wilayat al-Sinai, nhóm phiến quân cực đoan chân rết của IS. Wilayat al-Sinai là một trong hơn một chục chi nhánh của IS được thành lập xung quanh khu vực Trung Đông kể từ năm 2014.
Giống như các nơi khác, những kẻ cầm đầu IS ở Iraq đã sử dụng các nhóm phiến quân địa phương như cánh tay nối dài cho việc mở rộng cơn ác mộng khủng bố ở Ai Cập. Đầu năm nay IS ở Ai Cập đã tập trung nhiều cuộc tấn công nhắm vào tín đồ Kitô giáo thiểu số trong nước và giết chết hàng chục người trong ít nhất bốn vụ tấn công.