Hồi hộp và bi thương chuyện lừa đảo trên mạng

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 19/02/2025 07:00

Khi sự lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi và cồng kềnh, chúng ta phải cố gắng để trở thành những công dân thông minh trong thời đại số.

Hôm qua mạng xã hội xôn xao sự việc hơn 1.000 công dân nước ngoài bị cưỡng bức làm việc cho các trung tâm lừa đảo tại khu vực biên giới Thái Lan - Myanmar.

Trước đó, công an Việt Nam cũng đã bắt mấy vụ lớn, có vụ rất lớn, số tiền lừa đảo lên tới nhiều nghìn tỉ đồng, những con số khủng khiếp nếu mới nghe, nhưng cứ vụ này tiếp nối vụ kia, vụ sau... lớn hơn vụ trước, khiến chúng ta thấy nó có vẻ bình thường.

Thương nhất là các nạn nhân. Với số lượng bị lừa nhiều như thế thì có giàu cũng thành trắng tay, huống gì rất nhiều người nghèo, ở nông thôn, tiền không có hoặc có rất ít, nhưng bọn lừa nó giỏi tới mức, hướng dẫn cách vay tiền, huy động tiền, và quan trọng là, cứ im thít làm, không dám, không được nói với ai. Tới lúc hết khả năng, bị cắt liên lạc mới vỡ òa sự thật.

Thậm chí bọn lừa còn giỏi dọa tới mức có người ra ngân hàng chuyển tiền, nhân viên ngân hàng phát hiện (sau này các nhân viên ngân hàng đều được tập huấn để nhận biết lừa đảo), khuyên bảo không nghe, bảo không làm cho thì sang ngân hàng khác. Nhân viên ngân hàng báo công vẫn không tin, vì cái ông công an gọi điện ấy... to hơn, lệnh bắt đã cầm trên tay rồi, ông trước mặt này không ăn thua, không có quyền bằng ông... trong điện thoại kia.

Và vấn đề là, khi màn công an với lệnh bắt, lệnh truy nã bị bóc thì tới màn điện lực, màn bưu điện, màn thuế, màn giấy phép lái xe, màn cài đặt VNeID, rồi gần đây là đầu tư kinh doanh vân vân... cứ thế, tùy "tình hình cụ thể" mà chúng tung ra các chiêu lừa, thật hơn cả thật, nhân viên đóng kịch giỏi như, thậm chí hơn, nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Phải đến vài năm bọn lừa đảo tung hoành thì gần đây công an bắt đầu tung quân bắt. Đa phần bọn lừa đảo ở nước ngoài, không chỉ là Campuchia, mà gần đây cả Myanmar, Philipine... nên việc điều tra phải kéo dài là đúng rồi. Nhưng đúng là bọn lừa đảo... nhiều đầu, chặt đầu này nó mọc đầu khác, cứ thế, ngày nào ta cũng nghe có những vụ lừa đảo.

Hồi hộp và bi thương chuyện lừa đảo trên mạng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Và điều này nữa mới khiến ta giật mình, trước đấy ở một số thành phố nước ta có người Trung Quốc vào thuê các chung cư hạng sang để lừa đảo, một thời gian bị phát hiện, có đỡ đi, thì mới nhất, chính người địa phương trong nước lập các "trung tâm lừa đảo", như vụ ở huyện Krông Păk tỉnh Đăk Lăk, mà cầm đầu là một cô gái Tây Nguyên tên H’Nguyên Niê Kdăm. "H’Nguyên Niê Kdăm lên mạng xã hội tuyển nhiều nhân viên để thực hiện hành vi phạm tội; phân chia nhiệm vụ quản lý và thanh toán tiền cho 3 đối tượng Nhàn, Hiếu và Ngọc. Với mỗi cuộc gọi thành công, mỗi nhân viên sẽ được trả công 30.000 đồng, mỗi ngày mỗi nhân viên được trả khoảng 300.000 – 600.000 đồng. Nhiều người dân đã bị nhóm lừa đảo trên chiếm đoạt số tiền rất lớn; thậm chí có người đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng", sơ bộ điều tra, nhóm này có 57 đối tượng liên quan, hằng ngày các đối tượng sử dụng thông tin trái phép của khoảng 50.000 người dân, thực hiện trên 100.000 cuộc gọi để thực hiện hành vi lừa đảo. Qua thống kê sơ bộ các đối tượng trong đường dây đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng; riêng nhóm đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk đã được trả công trên 200 tỷ đồng. Tức tới nay vẫn chưa biết cụ thể số tiền chúng lừa đảo, chiếm đoạt được là bao nhiêu, bao nhiêu người đã trắng tay vì chúng.

Và cũng chưa thể, và thậm chí chắc là không thể, thống kê được toàn bộ số tiền của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt mấy năm vừa qua là bao nhiêu.

Mỗi lần tôi xem truyền hình, đọc báo nhìn ảnh thấy hàng dài người, toàn nam thanh nữ tú, bị bắt, xâu thành từng dây lần lượt đi, chắc không đủ còng nên phải xâu dây như thế, rất là xót. Họ, có người chủ ý phạm tội, có người vô tình phạm tội. Và tội ác của họ là lừa đảo chính đồng bào mình. Xót là, đa phần họ trẻ khỏe, nhiều người có trình độ, có học thức, nhưng đã sa chân vào con đường lừa đảo, hoặc cố ý hoặc vô tình...

Có lần, mấy năm rồi, tôi về một vùng quê miền Bắc, thấy nhà một anh bạn có vẻ khá nhỉnh hơn so với hàng xóm. Tôi hỏi thăm thì biết có thằng con nó "làm việc trên máy tính", toàn làm ban đêm nên cũng có tiền giúp bố mẹ. Hỏi nó làm gì? Không biết, nhưng cứ ngày ngủ đêm làm. Tôi bảo phải hỏi cụ thể xem nó làm gì? Khéo mà làm việc phạm pháp đấy. Y rằng, một thời gian sau, nghe nó vướng vào một vụ lừa đảo, dẫu chỉ là nhân viên hạng bét, nấc thấp nhất nhưng cũng vẫn bị liên lụy.

Mà hồi ấy, hình như chưa có màn "việc nhẹ lương cao" ra nước ngoài khởi nghiệp quy mô như hiện nay.

Thì ai cũng biết, mạng xã hội nó cũng chính là, thậm chí còn phong phú hơn cuộc đời thật. Cũng đủ hỉ nộ ái ố, lừa đảo, chửi nhau các cái, chỉ thiếu là không trực tiếp đánh nhau được, nhưng lại có thể... hẹn để đánh nhau. Cũng đã nhiều vụ mâu thuẫn trên mạng rồi hẹn đánh nhau ngoài đời rồi. Thế nên chuyện lừa đảo nó cũng không lạ lắm. Có điều, chúng ta sống ngoài đời thật thì vừa được học vừa dựa trên kinh nghiệm sống từ ngàn xưa truyền lại, còn không gian mạng, nó mới tinh, mà nó lại "đời" như thế, nên bị lừa cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta chưa kịp trang bị kiến thức cho mặt sau, mặt trái của mạng xã hội tới cộng đồng nên dễ bị lừa, tới mức mấy bạn trẻ, dân công nghệ nói với tôi: chưa biết lúc nào tới lượt mình bị lừa?

Mới nhất, hôm qua một tờ báo đưa tin: "Nạn nhân cay đắng bị tống tiền sau 10 phút chat sex". Và search trên mạng câu lệnh "bị lừa chat sex" ngay lập tức chúng ta nhận được hàng ngàn kết quả, hết sức bi thương và cả bi... hài.

Và mới té ra, không chỉ dân ta bị lừa. Trung Quốc là nơi có nhiều các "chủ lừa" thì cũng có rất nhiều nạn nhân. Họ cũng bị lừa đi làm "việc nhẹ lương cao" như một số công dân Việt Nam, tới mức như tôi kể phía trên, trợ lý bộ trưởng Công an Trung Quốc phải tới biên giới Myanmar để bàn chuyện hồi hương công dân nước mình sang đấy làm thuê cho bọn chủ lừa đảo.

Và cuộc chiến này hết sức gian nan và chắc cũng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Chúng ta phải cố gắng để trở thành những công dân thông minh trong thời đại số thôi. Có điều, ngoài đời thực nếu có bị lừa, thường là lẻ tẻ chứ không cả loạt thành đám đông như thế, và nữa, cũng chưa tới mức trắng tay. Còn trên không gian mạng, đã bị lừa là trắng tay, không chỉ thế, còn âm. Tức nhiều người phải vay mượn, cầm cố để nạp tiền cho bọn lừa đảo, nợ âm sau khi đã hết tài sản. Đau xót, hết sức đau xót khi chứng kiến những người mất toàn bộ số tiền dành dụm cả đời mà lại còn nợ đầm đìa nữa.

Nhưng vẫn hy vọng, ngày mai trời lại sáng, dẫu sự lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi và cồng kềnh...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.