Cuối tuần này, thông tin chiếc ấn vàng dưới thời Minh Mạng, triều Nguyễn được nhà đấu giá Drouot (Pháp) giới thiệu trên trang web chính thức đã gây ra sự chú ý đặc biệt của những người Việt quan tâm tới lịch sử nước nhà.
Thông tin từ trang đấu giá cho biết: Chiếc ấn vàng quý hiếm là của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841). Ấn có đế hình vuông kép chồng lên nhau, chuôi hình rồng với năm móng cuộn lại và có đầu ngẩng lên mang ký tự 王 (vương), nghĩa là vua. Phần đuôi nhô cao ở phía sau kết thúc theo hình xoắn ốc, một sống lưng nhô ra tô điểm cho cơ thể có vảy của con vật dọc theo chiều dài toàn bộ chiều dài của nó, đầu tua tủa những chiếc sừng hươu để lộ mõm sư tử, răng nanh lộ ra. Bốn chân neo chắc chắn và kết thúc bằng năm móng vuốt.
Hai bên con rồng được khắc chữ Hán: “Minh Mạng tứ niên sơ kỳ cát tiên tạo” – Nghĩa là: Được làm vào một ngày tốt lành, ngày 4 tháng 2 năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tương đương với ngày 4 tháng 2 năm 1823 âm lịch.
Hơn một trăm con dấu đã được tạo ra trong suốt 143 năm của vương triều Nguyễn bằng nhiều chất liệu vàng, ngọc, ngà, bạc và đồng và được các thành viên hoàng gia khác nhau tùy theo cấp bậc cũng như các quan chức sử dụng.
Cũng theo thông tin của nhà đấu giá, dưới thời Minh Mạng, người ta đã chế tạo được 15 ấn ngọc và ấn vàng (bao gồm cả chiếc mang ra đấu giá). Những con dấu bằng vàng ròng, được gọi là Kim bửu tỷ (金寶 璽), Kim bảo tỷ (金寶 璽) hoặc Kim tỷ (金 璽), là một trong những chiếc hiếm nhất và quan trọng nhất.
Đây là một trong những chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất. Dưới đế của ấn là bốn ký tự: 皇帝 之 寶 (Hoàng Đế chi bảo), nghĩa là: “Kho báu của Hoàng đế”.
Chiếc ấn có chiều cao 10,4 cm; rộng 13,8 cm; sâu 13,7 cm; nặng 10,78 kg
Trong một động thái nhanh chóng chưa từng có, Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã tham mưu lãnh đạo Bộ đánh công văn gửi Bộ Ngoại giao, đồng thời phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp để khẩn trương làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon
Về lý thuyết, các bên sẽ xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật (chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp…). Căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá, các bên liên quan sẽ đề xuất phương án phù hợp nhất (phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để có thể đưa cổ vật nêu trên về Việt Nam.
Tuy vậy, việc này chắc chắn sẽ không dễ dàng. Soi chiếu vào các tình huống đã từng xảy ra với các quốc gia khác và thông lệ quốc tế, việc sử dụng biện pháp ngoại giao thường là cách tối ưu để cổ vật trở về cố quốc. Tuy nhiên, đây không phải lúc nào cũng là cách hiệu quả nhất. Ví dụ, năm 2009, sau khi chính phủ Trung Quốc không quyết định không chi tiền, một nhóm luật sư Trung Quốc đã gửi đơn lên tòa án Pháp, yêu cầu tòa án dừng một cuộc đấu giá cổ vật Trung Quốc của nhà đấu giá Christie's. Nhưng tòa án Pháp đã bác yêu cầu của đơn kiện. Còn vô số các tình huống khác tương tự có thể dễ dàng tìm kiếm qua mạng internet.
Cho đến nay, dù công – tội của nhà Nguyễn vẫn còn đang được các nhà nghiên cứu lịch sử tranh luận, nhưng không thể không khẳng định chiếc ấn vàng này là một hiện vật cực kỳ quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao lịch sử Việt Nam.
Ngày 30/8/1945, Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam đã trao hai tín vật là ấn – tượng trưng cho “Văn” và kiếm – tượng trưng cho “Võ” cho chính quyền cách mạng, chính thức chấm dứt thời kỳ phong kiến, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt.
Tôi luôn cho rằng việc mong muốn cổ vật của các triều đại cũ quay về cố quốc không phải là tôn vinh tro tàn, mà là duy trì ngọn lửa kiêu hãnh của dân tộc Việt, đó cũng là cách trân trọng quá khứ - trân trọng hiện tại.
Chúng ta có quyền hy vọng vào sự chú ý của các những người thuộc giới siêu giàu nội địa. Chúng ta từng chứng kiến nhiều cá nhân vào danh sách người giàu tầm cỡ thế giới, chứng kiến họ sẵn sàng chi hàng triệu đô-la để mua siêu xe, hàng triệu đô-la để mua các tác phẩm hội họa, các vật phẩm văn hóa cổ điển từ nước ngoài…Vậy thì với chiếc ấn quý này, người Việt không có lý do gì không hy vọng vào sự "mạnh tay" của giới siêu giàu Việt Nam nhằm kết thúc số phận lênh đênh của một báu vật quốc gia.