Hồi kết của một danh gia vọng tộc
Vào hôm Chủ nhật 22/9, tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông kết án tù chung thân với ông Bạc Hy Lai vì tội nhận hối lộ 20.4 triệu nhân dân tệ. Tòa bác bỏ lời biện hộ của ông Bạc rằng ông không biết việc hối lộ của hai doanh nhân theo hình thức tiền mặt và quà tặng, gồm một biệt thự ở Pháp, các chuyến đi được đài thọ.
Tòa cũng ra mức án 15 năm tù vì biển thủ 160,000 đôla từ một dự án Chính phủ và bảy năm vì lạm dụng quyền lực. Án chung thân nặng hơn dự đoán của các nhà quan sát trước đó. Joseph Cheng, chuyên gia chính trị Trung Quốc ở đại học Thành phố Hong Kong, nói: "Thái độ ương ngạnh và không chịu nhận tội bị xem là xấu và đem lại án nặng hơn”. Án chung thân chứng tỏ Đảng Cộng sản sẽ không để ông Bạc có cơ hội quay lại chính trường, theo vị giáo sư.
Bạc Hy Lai tại tòa
Phiên tòa xét xử ông Bạc đã cho công chúng có cơ hội hiếm hoi được nghe về cuộc sống của các quan chức giàu có và quyền lực của Trung Quốc, với những chi tiết về những chuyến đi nghỉ mát đắt tiền và những biệt thự sang trọng.
Hồi đầu tuần, một trang mạng đã cho đăng một lá thư được cho là do chính tay ông Bạc viết trong tù hôm 12/9. Lá thư đã được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đặt ở Hong Kong xác nhận với những người thân trong gia đình ông Bạc. Trong đó, ông Bạc nói rằng ông là "một nạn nhân vô tội". "Tôi tin rằng một ngày nào đó sự thật sẽ chiến thắng. Tôi sẽ lặng lẽ chờ đợi trong tù cho đến ngày đó", ông viết.
Theo tờ South China Morning Post, trong lá thư gửi tới các thành viên trong gia đình, ông Bạc nói rằng một ngày nào đó thanh danh của ông sẽ được gột sạch. Ông Bạc nói rằng ông sẽ nhận án tù và đang yên lặng chờ đợi. "Cha tôi đã bị tống giam nhiều lần. Tôi sẽ theo chân ông" - SCMP dẫn lời Bạc nói.
Cha của ông Bạc là nhà lão thành cách mạng Bạc Nhất Ba, người từng phải ngồi tù trong thời Cách mạng Văn hóa. Ông Bạc Nhất Ba được mệnh danh là một trong "Bát đại nguyên lão" của cách mạng Trung Quốc. Bản thân ông Bạc Nhất Ba cũng là Ủy viên bộ Chính trị, sau đó trở thành nạn nhân bị thanh trừng trong Cách mạng văn hóa (1966-1976), rồi được phục hồi danh dự. Mẹ của Bạc Hy Lai (tức vợ Bạc Nhất Ba) là bà Hồ Minh trong thời kỳ Cách mạng văn hóa đã bị đấu tố và giam cầm đầy ải tới chết trong nhà giam.
Anh em của Bạc Hy Lai là Bạc Hy Vĩnh và Bạc Hy Thành trong thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng bị tống giam, gia đình tan nát, chia đàn sẻ nghé, mỗi người mỗi nơi.
Bạc Hy Lai viết tiếp : "Cha mẹ tôi đã mất, nhưng những lời giáo huấn của hai đấng sinh thành vẫn tiếp tục dưỡng nuôi tôi. Tôi sẽ không làm ô danh tên tuổi cha mẹ". Ông cảm ơn sự ủng hộ của gia đình trong phiên tòa vào cuối tháng Tám, trong đó ông đã kịch liệt tự biện hộ và bác bỏ hầu như tất cả các cáo buộc.
"Cha và mẹ tôi đã qua đời, nhưng những bài học của họ vẫn giúp ích cho tôi. Tôi không thể làm hổ thẹn quá khứ vinh quang của họ", Bạc Hy Lai nói trong thư. Nguyên lão Bạc Nhất Ba là cánh tay phải của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Ông đã giúp Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Quốc tiến hành lựa chọn những "hạt giống cách mạng" làm người kế tục sự nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Trong số những "hạt giống cách mạng" có nhiều là con em của cán bộ lãnh đạo cấp cao lão thành, như đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, con trai của nguyên phó Thủ tướng Tập Trọng Huân.
Gia đình Bạc Hy Lai thời còn hạnh phúc
Một người làm quan cả họ được nhờ
Người anh trai Bạc Hy Vĩnh, 64 tuổi, đã đầu tư trong nhiều năm qua vào các quỹ đầu tư ở nước ngoài như Advanced Technology and Economic Development. Bạc Hy Vĩnh còn là Phó chủ tịch của China Everbright International, một công ty con của tập đoàn bất động sản quốc doanh khổng lồ Everbright Group. Lương của ông Bạc Hy Vĩnh tại tập đoàn này là 200.000 USD mỗi năm, bên cạnh số cổ phần 10 triệu USD mà ông đã bán.
Bạc Hy Lai, sinh năm 1949, được bầu làm Thị trưởng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh năm 1993. Những năm sau đó kinh qua các vị trí Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh và Bộ trưởng bộ Thương mại trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007. Tháng 3/2012, Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư Thành ủy và Ủy viên thường vụ Thành ủy Trùng Khánh, bị đình chỉ tư cách ủy viên bộ Chính trị và ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 4/2012 và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 9/2012. Ông Bạc Hy Lai, từng là Ủy viên bộ Chính trị, là quan chức cao cấp nhất tại Trung Quốc bị đưa ra xét xử trong thời gian gần đây. |
Bên cạnh đó, ông Bạc Hy Vĩnh còn là thành viên của Hội nghị Tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn của Chính phủ nước này. Cho tới gần đây, ông còn là Phó chủ tịch của HKC Holdings, một công ty Hồng Kông thuộc quyền kiểm soát của gia đình một tỷ phú Indonesia. Năm 2010, công ty đầu tư TPG khổng lồ của Mỹ đã đầu tư 25triệu USD vào HKC, công ty chuyên về các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng thay thế ở Trung Quốc, đồng thời đã giành được nhiều hợp đồng lớn của Chính phủ.
Bạc Hy Lai còn hai người em nữa là Bạc Hy Thành (Bo Xicheng) và Bạc Hy Ninh (Bo Xining). Bạc Hy Thành là chủ tịch công ty quản lý khách sạn Beijing Liuhexing Hotel Management Co. và cựu tổng giám đốc công ty về du lịch Beijing Municipal Bureau of Tourism. Bạc Hy Thành cũng là giám đốc độc lập của công ty môi giới chứng khoán Citic Bắc Kinh từ năm 2003 đến 2006. Tuy nhiên công ty này giờ chỉ có một người phụ nữ gác cửa và mở ra nhanh chóng nói rằng ông Bạc không có ở đây rồi lại đóng lại ngay lập tức.
Một nhân vật khác phải kể đến trong đội ngũ "con ông cháu cha" nhà Bạc Hy Lai là Lý Vọng Tri, con trai của cựu Bí thư Trùng Khánh với người vợ đã ly hôn của ông là Lý Đan Vũ. Theo hãng tin Bloomberg, năm nay 34 tuổi, Lý Vọng Tri có chức vụ trong tập đoàn năng lượng China Everbright International Ltd. Tốt nghiệp Đại học Columbia danh giá của Mỹ, Lý Vọng Tri từng làm trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân và tại ngân hàng Citigroup. Anh này có đầu tư vào các công ty ở Đại Liên, nơi trước đây Bạc Hy Lai làm thị trưởng.
Nhưng giờ đây, cái danh của Bạc Hy Lai đã không thể giúp gì được cho những người thân nữa. Theo luật Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai có 10 ngày để kháng án. Ông Bạc Hy Lai đã đón nhận bản án với nụ cười châm biếm trên môi. Trước đó, Bạc Hy Lai bác bỏ lời khai của hai nhân chứng chủ chốt. Ông gọi lời khai của vợ là "nực cười” còn lời khai của Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, là “toàn là nói dối và lừa gạt".
Bên cạnh bản án chung thân, bị tước quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, toàn bộ tài sản của người bị kết án trong đó có một căn nhà tại thành phố ven biển Cannes, miền Nam nước Pháp, có được do hối lộ, đều bị tịch thu. Bản án vừa được tuyên hôm nay như vậy vĩnh viễn chôn vùi sự nghiệp chính trị tưởng như thênh thang của ông Bạc Hy Lai.
Tuy nhiên vụ án Bạc Hy Lai chưa chắc đã hạ màn. Một cựu tù chính trị cam đoan với AFP, cho dù Bạc Hy Lai có bị kết án bao nhiêu năm tù đi nữa, ông Bạc hầu như có thể an tâm là sẽ được ở trong một nhà giam tiện nghi, và một ngày nào đó sẽ được giảm án.
Thu Hiền (theo AFP, RFI, Bloomberg)