Ngày 27/6, tại thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai), Cụm thi đua Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Hơn 2.000 lượt ý kiến tham gia xây dựng pháp luật của Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận trao đổi kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia các tỉnh thuộc Cụm thi đua.
Theo đó, các đại biểu đều nhất trí cho rằng sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, đã thổi một làn gió mới, tạo ra khí thế cho các cấp Hội Luật gia.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đều chủ động ban hành các văn bản nhằm triển khai Chỉ thị 14, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội triển khai công tác nhất là về cơ chế và kinh phí hoạt động.
Trên cơ sở đó, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh đó, chia sẻ về một số khó khăn trong công tác hội, nhiều đại biểu cho rằng việc phát triển tổ chức Hội cấp huyện vẫn còn nhiều khó khăn do vướng mắc các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức Đại hội đại biểu Hội Luật gia các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV Hội Luật gia Việt Nam vào cuối năm 2024, nhất là việc góp ý vào các văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TS. Trần Công Phàn - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá năm 2023, bối cảnh hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và các cấp có nhiều thuận lợi nhất là từ khí thế mới mà Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị mang lại.
Trên cơ sở đó, TS. Trần Công Phàn ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, tích cực, cố gắng làm tốt những kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Mỗi địa phương với đặc thù riêng trong công tác hội đều có nét riêng biệt, góp phần chung vào thành tích chung của các địa phương và các Hội Luật gia Việt Nam.
Theo TS. Trần Công Phàn, có 2 yếu tố then chốt quyết định đến thành công của công tác Hội Luật gia Việt Nam.
Thứ nhất là sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Hội. Thứ hai là sự chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm của các cấp hội và hội viên. Và hiện nay cả hai yếu tố đó đối với Hội luật gia Việt Nam đều đang vô cùng thuận lợi.
“Chưa có lúc nào vị trí, vai trò, việc tạo thuận lợi đối với Hội Luật gia các cấp lại được như lúc này. Sau Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, sự đánh giá của lãnh đạo đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền với Hội Luật gia ngày càng lớn, đặt chúng ta ở một vị trí quan trọng hơn và giao thêm nhiều trọng trách hơn”, Phó Chủ tịch Hội Luật gia khẳng định.
Do đó, Phó Chủ tịch Hôi Luật gia Việt Nam yêu cầu các cấp Hội cần tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, nâng cao chất lượng theo hướng thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế, chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội có thế mạnh; tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của các cấp Hội và đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
“Đã làm tốt rồi, đã có nhiều ý kiến hay rồi nhưng phải chủ động hơn nữa, phải tích cực hơn nữa. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chúng ta trước hết phải làm tốt nhiệm vụ của mình, chứng minh được khả năng, vai trò và những đóng góp của hội thì tự nhiên sẽ được quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động. Như vậy vấn đề cần đặt ra là: Chúng ta làm được gì? Chúng ta góp sức thế nào cho người dân, cho sự phát triển của địa phương”, TS. Trần Công Phàn đặt vấn đề.
Do đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị các cấp hội và hội viện của Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương về việc thực hiện nhiệm vụ, công việc có thể đảm nhận cũng như kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động theo tinh thần “Chủ động nhận việc và hoàn thành thật tốt phần việc đó để khẳng định thương hiệu của Hội Luật gia”.
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh năm 2023 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Hội Luật gia Việt Nam, là năm có tính chất quyết định trong việc phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Vì vậy, các cấp Hội cần tổ chức triển khai đồng bộ các mặt công tác, đồng thời, cần căn cứ vào tình hình và yêu cầu của năm 2023 để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội.
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc cần tích cực chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội đại biểu Hội Luật gia các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội toàn quốc Việt Nam lần thứ XIV và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam vào năm 2025.
Với đặc thù của các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng các tỉnh hội cần tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, nhất là vùng nông thôn, các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia hoà giải ở cơ sở, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tham gia phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp pháp lý...
Tại Hội nghị, Cụm thi đua Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc đã bầu Cụm trưởng, Cụm phó Cụm thi đua năm 2024. Theo đó, Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ và Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên sẽ lần lượt đảm nhận nhiệm vụ Cụm trưởng và Cụm phó Cụm thi đua đua trong năm 2024.
Một số hình ảnh tại hội nghị.