Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh Nam Định (HLG) cho biết, để thực hiện tốt chuyên đề Phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường THPT, HLG tỉnh Nam Định đã phối hợp với sở GD&ĐT Nam Định tiến hành khảo sát, xây dựng đề cương, giáo án bài giảng. Đề cương, giáo án bài giảng được xây dựng hiện đại, biên soạn, tích hợp với những nội dung sát thực với từng đối tượng, gắn với những hình ảnh ví dụ minh họa, viện dẫn những vụ án cụ thể đã xảy ra trên địa bàn mà các cơ quan pháp luật đã xử lý...
Theo lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh Nam Định, nội dung đề cương bài giảng tập trung vào những vấn đề như quyền con người, quyền công dân, quyền của trẻ em, của thanh niên theo Hiến pháp năm 2013. Một số quy định của pháp luật về xử lý vi phạm Hành chính liên quan đến người chưa thành niên và người đã thành niên. Một số quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm Dân sự của người chưa thành niên, của người đã thành niên.Một số quy định của pháp luật về Hình sự liên quan đến lứa tuổi chưa thành niên và mới thành niên. Một số vấn đề mới của luật Giáo dục đại học; luật Giao thông đường bộ; luật Phòng chống ma túy và các tệ nạn mại dâm; luật Bình đẳng giới và phòng chống HIV/ AIDS ..
Cũng theo vị này, HLG tỉnh Nam Định chú trọng vào học sinh khối lớp 11, 12 vì đây là lứa tuổi chưa thành niên và mới thành niên. Sử dụng các biện pháp và phương pháp thực hiện như trực tiếp phổ biến trong các giờ giảng dạy GDCD trên lớp. Tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa. Giảng viên có nhiều kinh nghiệm, phổ biến nội dung bằng công nghệ vi tính màn hình chiếu, với nội dung hình ảnh minh họa sinh động, sát thực và đưa ra nhiều câu hỏi phỏng vấn để học sinh trả lời, tạo sự hấp dẫn, không khí sôi nổi, hứng khởi, thi đua, chú ý của học sinh...
Sau từng lớp học sinh viết kết quả thu hoạch nộp cho nhà trường để có cơ sở nhận xét đánh giá. Thời gian phổ biến mỗi trường thông thường bố trí từ 2 đến 3 buổi, mỗi buổi từ 200 đến 250 học sinh, mỗi buổi lên lớp từ 2 đến 3 giờ.
“Năm 2017 và đến tháng 6/2018, HLG tỉnh Nam Định đã triển khai tới 13 trường THPT, với 21 buổi, tổng số hơn 6 nghìn học sinh và giáo viên trong nhà trường. Sở GD&ĐT, các trường hoan nghênh đánh giá cao về công tác phối hợp, kết quả thực hiện giữa Hội Luật gia và ngành giáo dục trong việc phổ biến pháp luật tới học sinh, đặc biệt là những đối tượng học sinh sắp hết cấp học phổ thông.
Được cấp ủy, chính quyền, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đánh giá ghi nhận sự cố gắng tích cực, sát thực, cần thiết của Hội Luật gia trong việc phối hợp với các cấp các ngành, tham gia, thực hiện việc xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở kết quả đã làm, đạt được, rút kinh nghiệm, tiếp tục thời gian tới Hội Luật gia tỉnh Nam Định thực hiện và đạt kết quả tốt hơn trong việc phối hợp và thực hiện xã hội hóa về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nam Định”, vị lãnh đạo này cho biết.