Theo ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Chỉ thị số 06, nhiều văn bản đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Hội Luật gia.
Toàn cảnh buổi toạn đàm (Ảnh: Nguyên An)
11 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức tập hợp của giới luật gia, tham gia tích cực, chủ động vào các lĩnh vực công tác quan trọng như xây dựng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân… từng bước khẳng định được vị thế, vai trò của Hội Luật gia đối với xã hội nói chung và hệ thống chính trị nói riêng.
Đáng chú ý, các cấp Hội đã phát huy vai trò của mình trong việc tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy năng lực trí tuệ của các luật gia có trình độ, kinh nghiệm tham gia thực hiện hoạt động báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và giải đáp được nhiều yêu cầu của nhân dân. 11 năm qua, các cấp Hội Luật gia đã tổ chức được 607.908 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho 31.493.435 người dân. Trong đó có 1.834 đợt tuyên truyền lưu động ở các vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia cũng đã phát huy vai trò của mình trong việc tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hàng năm, các hội viên của Hội Luật gia đã tham gia hòa giải hàng nghìn vụ việc tranh chấp nhỏ về dân sự, đất đai, nhà cửa, hôn nhân gia đình, đấu tranh ngăn chặn kịp thời với những hành vi liên quan đến nghiện hút, mại dâm, trộm cắp, cướp giật. Hơn 11 năm qua, các cấp Hội đã tham gia hòa giải được 88.851 vụ việc, trong đó có 52.985 hòa giải thành.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số Bộ, ngành, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính chất chính trị, xã hội, nghề nghiệp, về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam và về tầm quan trọng của việc tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam theo tinh thần và nội dung Chỉ thị số 06 nên chưa tạo điều kiện để Hội phát huy vai trò và khả năng của đội ngũ luật gia tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, ngành, đơn vị và địa phương. Một số hội luật gia tại các tỉnh, thành phố do chưa được công nhận là hội đặc thù, dẫn đến khó khăn cho hội trong việc kiện toàn tổ chức, cán bộ và bố trí cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho các cấp hội
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, sau 11 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức của các cấp Hội Luật gia đã có một bước phát triển mới. Hội Luật gia Việt Nam đã được công nhận là tổ chức Hội đặc thù, qua đó góp phần tạo điều kiện hỗ trợ về biên chế, kinh phí hoạt động của các cấp Hội…, khẳng định được vị thế, vai trò của Hội Luật gia đối với xã hội nói chung và hệ thống chính trị nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 06 vẫn còn có một số hạn chế, tồn tại nhất định.
Do đó, cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg làm cơ sở để Thủ tướng ban hành Chỉ thị mới về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nguyên An