Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Dương Thành Bắc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các đồng chí là Trưởng, Phó Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các cán bộ chuyên trách thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã phát biểu khai mạc, hướng dẫn thực hiện đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý".
“Việc Hội Luật gia Việt Nam được giao tiếp tục chủ trì thực hiện đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý" đến năm 2021 cho thấy, nhận thức của các bộ, ngành hữu quan, của các cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, ý nghĩa của việc xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, về vị trí, vai trò của Hội Luật gia trong lĩnh vực công tác này đã được nâng lên rõ rệt và có nhiều điểm chung; đồng thời hoàn toàn phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Hội”, ông Quyền phát biểu.
Để kịp thời triển khai thống nhất đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” đến năm 2021 trên phạm vi toàn quốc, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt Quyết định 705/QĐ-TTg nói trên và văn bản hướng dẫn triển khai của Trung ương Hội đến các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí cán bộ trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở đó, Hội Luật gia các tỉnh, thành có định hướng tổ chức chỉ đạo và có những biện pháp triển khai việc thực hiện Đề án ở địa phương đạt hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, Hội nghị còn đề ra một số điểm mới trong luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017 và yêu cầu đặt ra đối với Hội Luật gia Việt Nam. Việc triển khai đề án này được mở rộng khắp 63 tỉnh, thành phố nhằm thống nhất nhận thức chung về quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và phương thức triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017-2021.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu Hội Luật gia của các tỉnh, thành đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý thời gian tới.
Dương Hạnh-Hồng Ngọc