Thực hiện Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triền khai đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021, hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác phố biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch chuyên trách hội Luật gia Việt Nam thay mặt lãnh đạo Hội phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn công tác phố biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và phòng chống tham nhũng năm 2020.
Hội nghị có các chuyên đề gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc hội Luật gia các cấp (Thạc sĩ Dương Đình Khuyến - Trưởng ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý); Vai trò của các cấp hội Luật gia Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và những kỹ năng truyền thông môi trường (Luật gia Lê Văn Hợp - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế - Pháp luật ASEAN); Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các phương thức đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra (Luật gia Lê Văn Hợp - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế - Pháp luật ASEAN).
Trình bày chuyên đề của mình, Thạc sĩ Dương Đình Khuyến cho biết, theo thống kê, các cấp Hội có 81 trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và và các tỉnh thành (10 trung tâm TVPL thuộc TƯ hội Luật gia Việt Nam, 71 trung tâm TVPL thuộc các tỉnh, thành Hội). Mỗi tỉnh, thành Hội trên cả nước đều có ít nhất một trung tâm TVPL, đặc biệt một số tỉnh, thành Hội có 2 - 4 trung tâm TVPL như: Lai Châu (2), Lào Cai (2), Lạng Sơn (3), Vĩnh Phúc (3), Trà Vinh (4) ... Một số hội Luật gia cấp huyện cũng thành lập trung tâm TVPL trực thuộc gồm: TP.HCM, Hậu Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng ...
Luật gia Lê Văn Hợp - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế - Pháp luật ASEAN cho hay, theo thông kê từ các địa phương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh gần 70.000 tấn, trong đó nguồn phát sinh từ đô thị tăng nhanh.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thực thi pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội Luật gia Việt nam có vai trò hết sức quan trọng, cầu nối để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng đến với cộng đồng xã hội.
Tiếp tục giữ vai trò là báo cáo viên trong chuyên đề "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp gây ô nhiễm và các phương thức thực hiện quyền bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường", luật gia Lê Văn Hợp đã nêu ra thực trạng ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tiễn áp dụng pháp luật thông qua một số vụ việc cụ thể về bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường ...
Hàng năm, số lượng các vụ việc khiếu nại, yêu cầu bồi thường về thiệt hại môi trường của các tổ chức, cá nhân khoảng 100 - 200 vụ. Hầu hết các vụ việc được giải quyết bằng con đường thương lượng, thỏa thuận, rất ít các vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết.
Thực tế, rất nhiều vụ việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng không thực hiện bồi thường theo đúng nghĩa mà chỉ thỏa thuận hỗ trợ người bị thiệt hại. Nguyên nhân là nếu khởi kiện ra tòa án giải quyết thì cá nhân hoặc tổ chức bị thiệt hại do doanh nghiệp gây ô nhiêm môi trường phải chứng minh được thiệt hại. Đây là một vấn đề không dễ thực hiện.
Vì vậy, phần lớn các vụ việc doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường khởi kiện bồi thường, nhưng không chứng minh được thiệt hại thực tế nên giải quyết bằng con đường thương lượng, thỏa thuận.