Hội nghị an ninh Munich 2017: Thất vọng kép cho Nga-Mỹ

Hội nghị an ninh Munich 2017: Thất vọng kép cho Nga-Mỹ

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 21/02/2017 13:54

Chính quyền Trump thất bại trong việc trấn an đồng minh châu Âu. Trong khi Nga cảm thấy không hài lòng với những điệp khúc đổ trách nhiệm cho nước này.

Hội nghị An ninh Munich (MSC) năm nay là một sự thất vọng cho cả Mỹ và Nga. Chính quyền mới của Tổng thống Trump thất bại trong việc trấn an đồng minh châu Âu khi không nhận được thái độ tích cực từ các thành viên NATO. Trong khi Nga cảm thấy không hài lòng với những điệp khúc đổ trách nhiệm cho nước này về cái gọi là “tấn công vào nền dân chủ nước khác”, theo RBTH.

Tiêu điểm - Hội nghị an ninh Munich 2017: Thất vọng kép cho Nga-Mỹ

Phó Tổng thống Mike Pence gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị an ninh Munich năm nay.

Chương trình nghị sự nổi bật và mang tính bước ngoặt nhất năm nay là sự cam kết của chính quyền Trump trong việc tiếp tục là đồng minh bền vững và bảo đảm an ninh cho châu Âu. Phái đoàn của Mỹ được cử đến MSC năm nay bao gồm phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly và bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Tờ The New York Times mô tả những thành viên trong chính quyền Trump đã trấn an người châu Âu bằng lập trường truyền thống của đảng Cộng hòa bao gồm “đối đầu với Nga, hỗ trợ NATO và ủng hộ các tổ chức dân chủ". "Hôm nay, ngày mai và mỗi ngày sau đó, hãy tin rằng Mỹ đang và sẽ luôn luôn là đồng minh lớn nhất của các bạn", ông Pence nói trước hội nghị. "Hãy yên tâm: Tổng thống và người dân Mỹ luôn hết lòng với những đối tác xuyên Đại Tây Dương".

Đến lượt mình, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - người vốn nổi tiếng với lập trường cứng rắn, bảo thủ tiếp tục trấn an khi khẳng định: "Các đối tác xuyên Đại Tây Dương vẫn là bức tường thành mạnh nhất chống lại sự bất ổn và bạo lực".

Tuy nhiên, cây bút Vladimir Mikheev lưu ý, có một chi tiết có thể làm bài phát biểu của ông Pence trở nên thiếu trọn vẹn đó là không có tiếng vỗ tay đồng tình nào ngoài đại diện bốn quốc gia NATO vừa thống nhất sẽ tăng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng theo lộ trình cam kết trước đó.

Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần bình luận rằng đóng góp quốc phòng của các thành viên NATO là quá ít so với những gì Mỹ bỏ ra để bảo vệ an ninh cho các nước này.

Hiện nay, chỉ có một số ít các thành viên NATO đạt mục tiêu 2%. Trong đó Mỹ đứng đầu với phân bổ trên 3,6% GDP cho quốc phòng, tiếp theo là Hy Lạp, Anh, Estonia và Ba Lan. 23 thành viên còn lại là vẫn dưới ngưỡng.

Điều này cũng khiến bản thân Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ quan ngại khi nói rằng, "lời hứa chia sẻ gánh nặng quốc phòng cùng với Mỹ chưa được các bên ủng hộ, điều này sẽ làm xói mòn nền tảng của liên minh”.

Chỉ có một tín hiệu đáng mừng duy nhất dành cho liên minh phương Tây là khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo rằng chính phủ của bà sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 8% trong năm nay. Mặc dù bà Merkel khẳng định “không thể cung cấp nhiều hơn” nhưng giới quan sát hy vọng con số này có thể trở thành khung tiêu chuẩn để các nước đi theo.

Trong khi một số nước phụ thuộc vào “chiếc ô NATO” cảm thấy vui mừng khi lời cam kết của Mỹ với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vẫn còn hiệu lực, những nhóm khác lại cảm thấy bất an với bài phát biểu của phó Tổng thống Mike Pence khi ông không nhắc một lời nào đến sự bền vững của Liên minh châu Âu, về tinh thần ràng buộc và đoàn kết của tổ chức – một chi tiết thường thấy trong các bài diễn văn hàng năm của Mỹ - đặc biệt trong thời điểm hiện tại cơn bão Brexit đang làm rung chuyển châu lục.

Châu Âu có lý do để lo lắng về quan điểm của Mỹ đối với liên minh châu Âu khi Tổng thống Trump từng ca ngợi Brexit – làn sóng khiến EU chia rẽ là “điều tuyệt vời”.

Tiêu điểm - Hội nghị an ninh Munich 2017: Thất vọng kép cho Nga-Mỹ (Hình 2).

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại MSC 2017.

Khi bàn đến căng thẳng ở Ukraine, trách nhiệm của Nga một lần nữa trở thành đối tượng đổ lỗi của các nước châu Âu. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nói với Sputnik bên lề hội nghị rằng, "một mặt, họ muốn hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, mặt khác họ phàn nàn về Crimea và Ukraine, lặp đi lặp lại nhiều lần".

Liên quan đến mối quan hệ của Nga với NATO và Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn thể hiện một quan điểm thường thấy khi nói rằng mặc dù hai bên có những thống nhất với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế nhưng châu Âu cảm thấy quan ngại về cái gọi là các cuộc tấn công mạng của Nga gây ra những "thách thức lớn cho nền dân chủ" và “lan truyền thông tin sai lệch”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó đã kêu gọi các bên cần có những bước đi hợp tác mạnh mẽ hơn. Ông cũng kêu gọi thêm rằng "để giảm bớt những lo ngại, chúng ta cần phải làm mới lại hợp tác quân sự". Tuy nhiên, ông phàn nàn về việc NATO hờ hững trong việc tìm kiếm những hợp tác thiết liên quan đến việc giải quyết các vấn đề an ninh.

Các quan chức Nga cũng bày tỏ sự mở rộng của NATO đã gây nên “sự căng thẳng chưa từng có trong suốt 30 năm qua”.

Bên cạnh đó, đội ngũ hoạch định chiến lược của Điện Kremlin cũng phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn, đó là giải mã những thông điệp thất thường của Washington trong hội nghị lần này.

Phó Tổng thống Mike Pence sẽ không loại trừ khả năng thể hiện sự xích lại gần hơn với Moscow, theo đề nghị từ Tổng thống Trump. Tuy nhiên sự khác biệt lại nằm ở bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người cho rằng Mỹ cần phải ứng xử với Nga bằng những cách thức quyết đoán.

Ông Mattis nói với các đồng minh châu Âu rằng sẽ không có “tình đồng chí” với Nga đồng thời xác định Moscow là mối đe dọa an ninh chính đối với Mỹ. Điều này đã gặp phải sự phản kháng từ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu, người đã nói “một cách tiếp cận mạnh tay và cứng rắn để đối phó với Nga sẽ chỉ phản tác dụng”.

Tín hiệu lẫn lộn từ đội ngũ nội các của Tổng thống Trump đang khiến Moscow cảm thấy khó nắm bắt lập trường thực sự của Mỹ. Giới quan sát đặt ra câu hỏi phải chăng cho đến lúc này Washington vẫn còn băn khoăn giữa việc bắt tay hợp tác với Nga hay tiếp tục thế đối đầu trước đó? Hoặc có thể chính quyền Trump đang thực thi chiến lược cây gậy và củ cà rốt đối với Moscow?

Phát biểu tại MSC một cách thận trọng, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho thấy Điện Kremlin không quá kỳ vọng vào động thái xích lại của Mỹ khi nói rằng, "quan hệ Nga-Mỹ mang tính thực dụng và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cả hai nên hiểu về trách nhiệm đối với sự ổn định toàn cầu".

Thảo luận về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria trong hội nghị dẫn đến một sự thừa nhận vai trò quan trọng của đàm phán Astana gần đây. Mặc dù không phải là một sự thay thế cho hòa đàm Geneva, các bên liên quan của Astana có thể mang đến một giải pháp hợp lý trong tình hình hiện tại.

Vòng đàm phán thứ hai đã kết thúc hồi đầu tuần này, với việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng ý thành lập một nhóm giám sát lệnh ngừng bắn, mọi quy trình sau đó sẽ được báo cáo lên Liên Hợp Quốc. Đây là diễn biến mới nhất sau khi vòng đầu tiên được ký kết hồi tháng 1.

Đọc thêm>>> Năm 2020, NATO không cần Donald Trump 'kéo' cũng tự đổ sụp

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.