Tham dự hội nghị năm nay có hơn 420 doanh nghiệp từ 46 tỉnh, thành, bao gồm: Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP.HCM, Nghệ An, Tiền Giang, Cần Thơ... về tham dự và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm với phía đối tác cũng như người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) cho biết: "Hội nghị lần này được sự tổ chức của Bộ Công thương và UBND TP.Đà Nẵng nhằm mở rộng thêm thị trường kinh doanh, kết nối, hợp tác, phát triển của các doanh nghiệp trong nước".
"So với các năm trước, hội nghị năm nay trải rộng trên nhiều tỉnh thành hơn. Đối tượng doanh nghiệp tham gia cũng mở rộng, sản phẩm giới thiệu cũng đa dạng, phong phú hơn".
"Qua hội nghị, chúng tôi mong muốn tạo kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm Việt cũng như doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Tăng sản phẩm nội địa hóa cho hàng Việt Nam theo đúng chủ trương "Nhận diện hàng Việt Nam", "Tự hào hàng Việt Nam năm 2016" mà Bộ Công thương tổ chức", ông Hồ Kỳ Minh cho biết.
Đại diện Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương) cũng bày tỏ sự tin tưởng: "Lãnh đạo Bộ mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia cho sản phẩm nội địa cũng như của các doanh nghiệp trong nước. Qua hội nghị nhằm kết nối cung cầu và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, phát triển".
"Bộ Công thương đứng ra tổ chức nhiều hội nghị nhằm phối hợp để tăng cường nâng cao chuỗi liên kết mang đến cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam và đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng", ông Hải đánh giá.
Tại Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2015, Ban tổ chức đã báo cáo có 42 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết trực tiếp tại hội nghị, với tổng giá trị hơn 320 tỷ đồng.
Anh Tuấn