Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.
Nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương
Đầu giờ làm việc buổi chiều, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tổ, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo làm rõ thêm những điểm mới nổi bật của Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được nghiên cứu xây dựng độc lập tương đối và tương quan hợp lý với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Bộ trưởng phân tích, làm rõ 5 quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ chính và các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện Đề án.
Trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, coi đây là nhiệm vụ đột phá, tiên quyết, để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách chính sách tiền lương; tích cực xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án; nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.
Các ý kiến phát biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách tiền lương được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách tiền lương trong từng giai đoạn: 2018 – 2020; 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đa số đại biểu nhấn mạnh chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách.
Quan trọng nhất là nguồn lực và tinh giản bộ máy, biên chế
Theo đại biểu Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Đề án đã đánh giá được các mặt hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương đã và đang thực hiện trong thời gian qua, từ thực tiễn này xây dựng chính sách tiền lương khoa học, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nước ta, phù hợp với chính sách tiền lương của các nước phát triển trên thế giới, mang tính khả thi cao. 5 quan điểm nêu trong Đề án đã bao hàm đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền lương.
Đại biểu cho rằng, mục tiêu tổng quát này đã đầy đủ, đúng và phù hợp với xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đại biểu quan tâm đến việc tổ chức thực hiện với 7 nhóm giải pháp. Quan trọng nhất là nguồn lực thực hiện lấy ở đâu? huy động như thế nào? Trong Đề án đã đưa ra vấn đề huy động nguồn lực, tinh giản biên chế, tiết kiệm… nhưng theo đại biểu hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực và tinh giản bộ máy, biên chế.
Đề án đã đưa ra 3 phương án xây dựng quỹ lương gắn với 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế: 7%, 6% và thấp nhất là 5%. Như vậy, việc cải cách chính sách tiền lương gắn liền với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở tăng năng suất lao động. Mấu chốt làm được việc này là từ Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI về tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược. Thực hiện thành công Nghị quyết này sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phương án tăng trưởng kinh tế 7% sẽ thực hiện được.
Bên cạnh đó, đại biểu đề cập thực trạng hiện nay bộ máy cồng kềnh từ Trung ương đến cơ sở, năng lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Nếu thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế, thì chắc chắn vấn đề cải cách chính sách tiền lương sẽ thuận lợi. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với giải pháp tiết kiệm 10% chi ngân sách hàng năm để xây dựng quỹ lương.
Tạo động lực nâng cao hiệu quả, tính năng động, sáng tạo
Đại biểu Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân bày tỏ: Đề án là mong muốn của lực lượng vũ trang, công chức, viên chức. Đánh giá cao đề án được chuẩn bị chu đáo, khoa học, kết cấu phù hợp, đánh giá khách quan, tổng quát, xuyên suốt những kết quả đạt được, không tô hồng.
Đại biểu cho rằng chính sách tiền lương hiện còn nhiều tồn tại. Đó là: Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, chưa tạo động lực để tăng hiệu quả làm việc, tính năng động, sáng tạo của người lao động. Trong lực lượng vũ trang, đa số cán bộ chiến sỹ công tác xa nhà, đời sống khó khăn. Lương phụ cấp rất phức tạp, đa ngành đa nghề, rất nhiều phụ cấp chưa tương xứng với trách nhiệm, quân hàm. Khối doanh nghiệp, tiền lương chưa gắn với năng suất lao động, kết quả lao động, người lao động trực tiếp lương thấp...
Nhất trí cao với quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Đề án, đại biểu Phạm Hoài Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện cần lưu ý: Điều kiện về thu nhập và chi tiêu của cán bộ ở mỗi vùng miền rất khác nhau, phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, vùng miền. Chế độ đãi ngộ đối với từng cán bộ công chức, từng địa bàn phải phù hợp và đáp ứng được lao động, năng lực của người lao động, tránh tình trạng cào bằng giữa các thành phố, các vùng miền.
Bảng lương ưu tiên cho công chức, viên chức, chuyên gia có trình độ cao; công chức viên chức chuyên gia giỏi lương sẽ cao hơn lãnh đạo quản lý. Điều này cần phải làm tốt công tác tư tưởng và xác định thay đổi tâm lý lãnh đạo là lương luôn luôn cao hơn mọi người. Đi đôi với cải cách chính sách tiền lương, cần có chính sách tương ứng với người có công, người nghèo và người hưu trí trước năm 2021. Tiếp tục đảm bảo phụ cấp đặc biệt cho lực lượng quân đội, công an, cho khu vực Trường Sa, DK1, biên giới ...
Đại biểu Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Đề án có nhiều điểm mới, đột phá, đặt trong tổng thể các nghị quyết Trung ương ban hành, Đề án có tính khoa học, khả thi cao. Tuy nhiên, đại biểu nêu 3 vấn đề còn băn khoăn, cần làm rõ thêm để hoàn thiện Đề án. Thứ nhất, làm thế nào để các quan điểm tư tưởng cải cách tiền lương lần này đi vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả, làm sao xây dựng được hệ thống tiền lương hiện đại, phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước; tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính, cơ bản bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động... Làm thế nào để việc chi trả lương phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả công tác của mỗi vị trí việc làm và tiền lương trở thành động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tạo cơ sở để cải cách hệ thống công vụ hiện đại.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương thời gian qua, đại biểu cho rằng chủ yếu là do không thực hiện được triệt để việc đưa các chi phí vào lương. Chính vì thế, lương vừa không xác đáng, vừa bình quân, cào bằng.
Đồng thời do nguồn lực có hạn, nên trong thực tế tiền lương dù đã được điều chỉnh rất nhiều lần, nhưng cho đến nay lương vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường; phát sinh quá nhiều phụ cấp và thu nhập ngoài lương, đặc biệt là việc ban hành, quyết định các phụ cấp, các loại thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến rất nhiều phụ cấp đặc thù, làm méo mó quan hệ tiền lương và mất đi vai trò, ý nghĩa của tiền lương nói chung, nhất là tiền lương lúc này không còn là thu nhập chính, không còn vai trò là động lực của cán bộ, công chức.
Quá trình cải cách tiền lương ban đầu đặt ra là gắn với cải cách công vụ, nhưng sau đó cải cách tiền lương chủ yếu để làm sao bù được trượt giá, phần nào nâng đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, chính vì thế một lần nữa làm mất đi ý nghĩa của cải cách tiền lương. Tiền lương của khu vực hành chính thấp hơn nhiều các khu vực kinh tế khác nên là một phần chia cắt thị trường lao động, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh về lao động, việc làm giữa các khu vực. Đặc biệt là khu vực công mất đi sự thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có thể phấn đấu theo chức nghiệp, không nhất thiết chạy đua chức vụ
Đại biểu Ngô Đông Hải đánh giá, Đề án lần này đã đưa ra được nhiều nội dung, giải pháp để bảo đảm không lặp lại tình trạng này. Trong đó, quan trọng là làm thế nào để lương cơ bản luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu, bảo đảm là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức; hạn chế tối đa và quy định rõ các loại phụ cấp, bảo đảm phụ cấp không bị biến tướng, ban hành tràn lan như trước đây; hạn chế tối đa, đi đến chấm dứt các loại, các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách, không lấy chi phí hoạt động đưa vào thu nhập, mà tập trung vào lương, góp phần làm tăng ý nghĩa của tiền lương...
Đại biểu kiến nghị thực hiện 4 giải pháp. Thứ nhất, coi tiền lương khu vực công là có sự dẫn dắt quan hệ tiền lương của toàn xã hội; không được tách tiền lương khu vực công ra khỏi mặt bằng tiền lương chung của cả xã hội; từng bước tiếp cận thị trường, dần dần đưa khu vực công trở thành dẫn dắt mặt bằng tiền lương của thị trường lao động xã hội. Thứ hai, cần có quy định phân biệt rạch ròi giữa quản lý vĩ mô và quản lý vi mô về tiền lương, bảo đảm vừa có sự quản lý thống nhất về chính sách tiền lương về vĩ mô, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền hợp lý, để các đơn vị, địa phương có thể chủ động trong việc hình thành nguồn quỹ lương, cũng như trả lương đúng đối tượng và phát huy được vai trò, trách nhiệm, năng lực quản lý của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, làm thế nào để thực hiện đúng tư tưởng chủ yếu của cải cách lần này là trả lương phù hợp với chức danh vị trí việc làm và hiệu quả công việc có tính cạnh tranh, tiếp cận được mặt bằng của thị trường tiền lương.
Đại biểu cho rằng, một bảng lương dù được đầu tư rất công phu và xây dựng một cách rất khoa học, nhưng cũng chưa bộc lộ được hết và cũng không thể là yếu tố duy nhất để thực hiện cải cách tiền lương. Vấn đề quan trọng chính là các cơ chế, các quy định, các hướng dẫn để thực hiện các bảng lương đó.
Lâu nay, để thực hiện sắp xếp công việc trả lương thì chúng ta thực hiện thi chuyển ngạch công chức nhằm đánh giá chất lượng và bố trí công việc phù hợp. Nhưng rất tiếc là chế độ này đã bị biến tướng, dẫn tới từ việc nghiệp vụ chuyển thành chế độ, lợi ích của cá nhân công chức, dẫn tới công chức làm việc lâu năm bằng mọi cách phải đi thi chuyển ngạch. Chuyển ngạch thì đương nhiên được xếp vào ngạch cao hơn, lương cao hơn, cho dù đó là làm thư viện hay làm văn thư. Một cơ quan, một đơn vị có thể có rất nhiều cán bộ, công chức ở ngạch cao, nhưng việc cụ thể thường không làm nổi hoặc lại giao cho công chức bậc thấp hơn làm, những người bậc cao lại thực hiện không hiệu quả.
Đại biểu cho rằng, việc bố trí cán bộ vào ngạch và xếp lương vào ngạch thì dù khó khăn, phức tạp vẫn phải kiên quyết làm. Nguyên tắc nêu trong Đề án là chuyển xếp lương mới bảo đảm không thấp hơn lương hiện hưởng. Nhưng về lâu dài, phải thực hiện kiên quyết việc bố trí vào ngạch các chức danh vị trí việc làm một cách phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là chế độ bổ nhiệm cán bộ vào ngạch theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, phải nhất quán thực hiện xây dựng bảng lương, bố trí cán bộ theo chức danh vị trí việc làm, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn chức danh làm cơ sở để xây dựng bảng lương, cũng như xây dựng đề án chức danh vị trí việc làm; đồng thời bãi bỏ chế độ thi chuyển ngạch, thay vào đó là thực hiện chế độ bổ vào ngạch, căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và yêu cầu công việc.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc phân tách bảng lương chức vụ với các bảng lương chuyên môn nghiệp vụ. Một nền hành chính công vụ hiệu quả phải dựa trên một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh thông nghiệp vụ, giỏi nghề, yêu nghề và suốt đời phấn đấu theo chức nghiệp. Nhưng thời gian qua, việc áp dụng tiền lương cơ bản bằng hệ số cộng thêm phụ cấp chức vụ, chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc đua chức vụ.
Để không làm phát sinh cuộc đua như trên, phải gắn việc phân định bảng lương với việc xem xét đề bạt cán bộ, làm thế nào chặt chẽ, đúng người, đúng việc; thực hiện đầy đủ chế độ đãi ngộ để cán bộ, công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp; chú trọng quan tâm xây dựng các bảng lương chuyên gia với tiền lương thỏa đáng để cán bộ, công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc thì có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời mà không nhất thiết phải chạy đua chức vụ. Đồng thời, từng bước đa dạng hóa nguồn trả lương, tạo chủ động cho địa phương, đơn vị; kịp thời điều chỉnh mặt bằng trả lương theo sự phát triển của thị trường lao động.
Để không tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách Nhà nước
Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá những nội dung cải cách được thể hiện trong Đề án đã cụ thể hóa quan điểm tiền lương là thu nhập chính của người lao động gắn với năng suất lao động, chất lượng lao động, đảm bảo minh bạch, công bằng, trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chi trả bảng lương, thưởng theo kết quả lao động. Nhất trí cao với các nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện để đạt được các mục tiêu xác định trong Đề án, Bộ trưởng đánh giá đây là những giải pháp đột phá tiên quyết, quyết định mức độ và lộ trình cải cách tiền lương, cùng với việc sửa đổi hoàn thiện các chính sách về thu ngân sách theo hướng mở rộng cơ sở thuế bao quát nguồn thu mới, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức.
Bộ trưởng cho biết trong các phương án tính toán cân đối nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, Bộ thể hiện tinh thần quyết tâm phấn đấu cao, tích cực và đặc biệt là gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nợ công đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.
Với quyết tâm chính trị cao trong việc cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng cho biết đã kiến nghị hàng năm dành nguồn thu, tăng thu cao hơn giai đoạn trước đối với cả nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để cải cách tiền lương như trong Đề án đã nêu.
Theo đó, trường hợp thực hiện đúng các mục tiêu về cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bội chi ngân sách năm 2020 dưới 3,5% GDP; các năm sau giữ và giảm dần; tùy khả năng nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm 2021, 2022 khoảng 35-40 nghìn tỷ đồng.
Tuy đã tính toán nguồn lực cải cách tiền lương với tinh thần tích cực nhất như trên, nhưng so với nhu cầu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo dự thảo Đề án vẫn còn có khoảng cách.
Bộ trưởng cho biết, có thể phải có những điều chỉnh tăng cân đối ngân sách Nhà nước. Cụ thể: Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương như phương án 1 của Đề án, từ 1-2,34-10 lên 1-2,68-12 đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 nghìn đồng/tháng từ năm 2021, tăng 27,5% thì nhu cầu nguồn lực trong hai năm 2021-2022 khoảng 140 nghìn tỷ đồng; trong đó năm 2021 khoảng 80 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Khi đó để đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển không giảm so với giai đoạn 2016-2020, tức là khoảng 26% tổng chi ngân sách Nhà nước thì bội chi ngân sách Nhà nước năm 2021-2022 sẽ ở mức 4-4,1% GDP, trong khi năm 2020 chúng ta đang phấn đấu dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 3,4% GDP theo Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Trong trường hợp giải ngân vốn vay ODA giai đoạn 2016-2020 vượt kế hoạch khoảng 2,4- 2,5% GDP thì nợ công lúc đó khoảng 64,5% GDP, sát ngưỡng trần nợ công Quốc hội cho phép.
Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương theo phương án hai của Đề án, tức là từ 1-2,34-10 lên 1-3-15 đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 ngàn đồng/ tháng từ năm 2021, thì nhu cầu nguồn lực cho hai năm 2021 và 2022 khoảng gần 210 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2021 khoảng 115 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 95 nghìn tỷ đồng.
Cùng với việc tập trung dành nguồn để cải cách tiền lương như trên đồng thời duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách Nhà nước thì bội chi ngân sách Nhà nước năm 2021- 2022 sẽ khoảng từ 4,7-5,1% GDP; trong trường hợp này, giải ngân vốn ODA giai đoạn 2016- 2020 vượt kế hoạch như trên thì rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021.
Như vậy, nếu ngay từ năm 2021 thực hiện đồng thời cả việc điều chỉnh tiền lương thấp nhất lên 4 triệu 140 ngàn đồng/người/tháng và kết hợp điều chỉnh quan hệ tiền lương thì mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện sớm hơn, lúc này sẽ tăng bình quân lên 26-42% so với năm 2020 nhưng có khả năng sẽ tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách Nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao.
Do vậy, để xử lý cả yêu cầu cải cách tiền lương và cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng đề nghị có thể nghiên cứu thêm phương án chưa thực hiện đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương trong cùng một năm, tức là có thể điều chỉnh tiền lương thấp nhất trong năm đầu nhưng quan hệ tiền lương thì tính toán tùy vào khả năng thực tế của năm 2021. Tức là năm 2021 điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4 triệu 140 nghìn đồng/người/tháng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để mở rộng thực hiện quan hệ tiền lương vào các năm sau.
Bộ trưởng nêu quan điểm nhất trí với dự thảo Nghị quyết, trong đó chỉ nêu những định hướng cơ bản mà không ghi cụ thể lộ trình thực hiện như đã thể hiện tại điểm c khoản 3.1 mục II dự thảo Nghị quyết là: Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiếp cận với quan hệ tiền lương của khu vực thị trường, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước”.
Người lao động phấn khởi, kỳ vọng
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đoàn viên, người lao động đang sát sao theo dõi và hết sức phấn khởi, kỳ vọng nhiều vào các quyết sách quan trọng của Đảng đối với vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội tại Hội nghị này. Đại biểu đánh giá các giải pháp đề ra trong Đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới những giá trị tiến bộ và công bằng trong phân phối thành quả lao động, chắc chắn sẽ được tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón nhận và đồng tình.
Đại biểu Bùi Văn Cường nêu vấn đề, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm cũng chỉ hơn tốc độ trượt giá tiêu dùng không nhiều. Nhìn chung, đời sống của phần lớn công nhân lao động còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập chưa hoặc chỉ vừa đủ cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, hầu như không có tích lũy để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc công đoàn chưa thực hiện tốt việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tiền lương của người lao động chưa cao hơn quy định. Tuy nhiên, nếu chủ tịch công đoàn cơ sở đấu tranh quá, cũng sẽ dễ bị chủ doanh nghiệp sa thải- đại biểu cho biết.
Để đảm bảo việc tăng lương được xem xét theo vị trí việc làm và khối lượng công việc hoàn thành, tạo động lực thu hút lực lượng lao động trẻ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt và khuyến khích những người làm việc có hiệu quả để được tăng bậc lương, ngăn chặn tình trạng thâm niên cao thì lương cao, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị hướng thiết kế thang lương theo các bậc lương nửa đầu lũy tiến và nửa sau lũy thoái. Việc thiết kế nửa sau lũy thoái vẫn đảm bảo được chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức có thâm nhiên, năng lực thông qua chính sách lương linh hoạt đã nêu trong Đề án. Bên cạnh đó, cần tính toán nguồn ngân sách để thực hiện cơ chế lương mới này.
Theo đại biểu Bùi Văn Cường, Đề án xác định “Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp” là quan điểm mới, tiến bộ. Nhưng cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động, trong việc thỏa thuận thống nhất với người sử dụng lao động về mức lương cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ tập trung ký thỏa ước lao động tập thể khung cấp quốc gia, cấp ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ thỏa thuận ký thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp...
Theo TTXVN