Tinh thần quyết tử "cười xong để chết..."
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hưng Yên, qua một vài người bạn, chúng tôi may mắn có dịp gặp lại hai nhân chứng hiếm hoi còn sống sót sau trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị - nơi được ví như một "cối xay thịt". Đó là ông Cao Huy Trang (đại đội 1, tiểu đoàn 14, sư 325, cối 120, hiện sống tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) và ông Hoàng Văn Kéo (tức Thông, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ). Trong đó, ông Kéo chính là nhân vật ngồi thứ hai (ngay sau chiến sĩ Lê Xuân Chinh) trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" dưới chân Thành cổ Quảng Trị ngày 15/8/1972. Rời cuộc chiến trở về đời thường, hai ông mang trong mình thương tật 4/4, nhiễm chất độc da cam. Thế nhưng, được gặp, được trò chuyện với hai người lính già ấy, chúng tôi mới thấy được ý chí, tinh thần thép và tình đồng đội gắn bó trong lửa đạn chiến tranh.
Nhập ngũ tháng 2/1971, khi đang học dở lớp 10 (nay là lớp 12), sau khi xong khoá huấn luyện trên Hà Bắc (cũ) tại trung đoàn Hải Hưng, tháng 6/1971, ông Kéo hành quân vào Quảng Trị và đóng ở C3K8 tỉnh Quảng Trị. Đến tháng 5/1972, giải phóng thị xã Quảng Trị thì ngày 1/6/1972 đại đội của ông gồm 12 người được điều vào Thành cổ.
Với ông Kéo, từ khi đặt chân vào Thành cổ, ông không bao giờ có suy nghĩ mình sẽ còn trở ra ngoài Bắc gặp gia đình, làng xóm. Ông nói: "Đạn pháo, bom mìn của địch cứ nã liên miên từ sáng đến tối đến mức không phân biệt được ngày và đêm. Ban đêm pháo sáng dọc sông Thạch Hãn luôn sáng rực, còn buổi trưa nắng như đổ lửa mà chẳng biết đến nắng là gì. Chỉ thấy toàn pháo của địch".
Cũng bởi thế cho nên, tại Thành cổ, 81 ngày đêm đều ác liệt như nhau. Có lẽ, chỉ những người lính đã từng trải qua thời khắc ấy mới biết rằng rất khó để nói trận đánh nào là quyết liệt nhất. Vừa lật giở lại những tấm hình của thời khói lửa mà phóng viên chiến trường ghi lại, ông Kéo bồi hồi: "Tháng 8/1971, đoàn chúng tôi toàn lính mới đi xuống đồng bằng thuộc địa phận huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lấy gạo phải đi qua một bãi cát. Khi vừa mới nhô lên thì bị địch tập kích, phục kích, các chiến sĩ bị bất ngờ chạy toán loạn, không áp đảo được địch. Đây là trận đầu tiên, gần 10 chiến sỹ của ta đã hy sinh. Lần khác, tôi với một o tên Hòa bị kẹt hai ngày một đêm dưới Cầu Trắng (đường 1) mà không thể nào đi được. Xe địch tuần tra dồn dập, mãi tối hôm sau có một đơn vị chủ lực của ta đánh vào nên mới bò được lên bờ theo con đường thánh địa La Vang. Khi hòa bình, lần nào vào Quảng Trị tôi cũng tìm o Hòa mà không được".
Nhớ lại ký ức của 81 ngày đêm ròng rã (từ 21/6-16/9/1972) và kỷ niệm xung quanh bức ảnh "Nụ cười chiến thắng", ông Kéo cho biết, thời khắc chụp bức ảnh lịch sử ấy cũng rất ngẫu nhiên. "Lúc ấy vừa đánh trận xong, tôi thấy có ông nhà báo (sau này mới biết đó là nhà báo Đoàn Công Tính) bảo các ông ngồi đây tôi chụp bức ảnh. Ban đầu chỉ có hai người là anh Lê Xuân Chinh và tôi. Thấy có mấy anh chốt xung quanh, tôi bảo vào chụp cho có thêm người".
Ngày góp mặt trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" cũng là ngày ông Kéo bị thương nặng. "Vừa chụp xong bức ảnh thì một quả pháo khói xịt và một trận bom của địch trút xuống. Trong phút chốc bụi khói mù mịt làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Khi chốt dọc Thành cổ, thấy bên kia đường có một xe ô tô bị hỏng, hai lính ngụy trong gầm xe nhưng tôi không biết. Đúng lúc tôi đứng dậy, với tay lấy cái mũ thì nó rẹt cho một băng đạn, tôi nhanh chóng bắn một quả B50, cả xe cả người của địch không thấy đâu. Đánh nhau bao nhiêu trận ác liệt không bị thương nhưng lần đó lại bị đạn nã trúng gối. Hồi đó, nước sông Thạch Hãn cạn, dù đang bị thương nhưng tôi cứ băng qua, sau đó khỏa chân buộc tạm tấm vải vào vết thương. Đồng đội cáng chuyển đi điều trị mổ vết thương. Tôi bị buộc nằm chõng, trói hai chân hai tay rồi bác sĩ cầm dao lá lúa cứa hai nhát lấy viên đạn ra. Ngày đó làm gì có thuốc tê nên rất đau. Bây giờ hễ cứ nhìn thấy dao kéo là tôi ghê", ông Kéo kể lại.
Làm từ thiện ở thời bình
Giở cho chúng tôi xem cuốn Khoảnh khắc của tác giả Đoàn Công Tính, hai người đồng đội mang thương tật 4/4 lại xúc động khi nhắc lại ký ức và tần ngần hồi lâu trước những tấm hình thời khói lửa. Nhắc nhiều về bức ảnh, hai người chiến sĩ ấy khẳng định, những ai đã từng chiến đấu ở Quảng Trị đều xứng đáng là anh hùng. Bức ảnh Nụ cười chiến thắng có sáu người thì nay chỉ có ông Kéo và ông Chinh còn sống, bốn người đã hy sinh.
Cuộc sống đời thường của những chiến sĩ còn sống sót sau trận chiến ở Thành cổ còn nhiều khó khăn, bệnh tật. Ông Trang và ông Kéo đều bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Ngày trái gió trở trời, cơ thể luôn đau nhức. Thế nhưng, lúc nào các ông cũng tâm niệm mình còn may mắn hơn nhiều chiến sĩ khác, được trở về quê hương làm ăn. Do vậy, họ luôn dành thời gian đi giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn hơn mình và những mảnh đời bất hạnh khác.
Là một người năng nổ, trở về quê hương, ông Trang hiện là chủ là doanh nghiệp lớn của tỉnh Hưng Yên. Ông đã kết hợp với một số anh em tài trợ cho một gia đình một đồng đội ở tỉnh Khoái Châu xây nhà. Năm 2012, cũng từ sự hỗ trợ của ông và bạn bè đã xây cho anh Minh ở thôn Hạ, xã Trung Hưng huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) ngôi nhà trị giá 135 triệu đồng. Ngoài ra còn tài trợ xe máy trị giá 18 triệu đồng cho một đồng đội và nhiều tổ chức xã hội khác. Ngồi trò chuyện với vợ ông Cao Huy Trang, chúng tôi cứ nhớ mãi chuyện bà kể về trường hợp ông có tâm nguyện cùng bạn bè giúp đỡ một người là vợ liệt sĩ năm nay đã 70 tuổi nhưng nghèo đến mức không làm nổi bàn thờ chồng.
Trở về đời thường, hai người lính ấy vẫn có tác phong bộ đội với cách sống, suy nghĩ không hề bon chen, vụ lợi. Với họ, tình đồng đội vẫn là gắn bó nhất. Kết thúc trận chiến ác liệt ở "cối xay thịt", nhiều đau thương, tổn thất nhưng nụ cười chiến sĩ vẫn toả sáng. Vừa nhắc lại ký ức, cả ông Kéo và ông Trang đều day dứt khi nhắc đến một người trong bức ảnh hiện làm trang trại và có cuộc sống khá vất vả ở Bắc Ninh, đó là chiến sỹ Lê Xuân Chinh.
Năm nào hai người lính già ấy cũng trở lại chiến trường Quảng Trị, nhiều thì 6 - 7 lần, ít cũng phải hai lần để thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống. Những cựu binh nàỵ như gắn một phần cuộc đời mình với quê hương Quảng Trị. "Người dân Quảng Trị đã dành tất cả mồ hôi nước mắt, hạt ngô hạt gạo và xương máu cho cuộc chiến đấu. Chúng tôi luôn coi đó là quê hương thứ hai của mình", ông Trang chia sẻ.
Yến Dương