Cơ duyên
Trong hành trình giúp những người tù tái hòa nhập cộng đồng, thông qua Hội Luật gia Việt Nam, Peter Soderlund đã được gặp ông Lê Văn Dũng, giám đốc công ty TNHH Dũng Tân - nhân vật được nhắc đến một thời là tướng cướp khét tiếng với tên Dũng “Ka kơ”. Cơ duyên để hai nhân vật cộm cán một thời ở hai đất nước tìm đến được với nhau, nhưng có một điều hiển nhiên đang tồn tại, cả hai đã vượt qua số phận để làm lại cuộc đời cho mình và cho nhiều người khác.
Sinh ra ở xóm Bến xã Đắc Sơn, Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), Lê Văn Dũng (SN 1960) đã nhanh chóng nổi trội trong đám choai choai của làng về sự tinh nghịch và ngỗ ngược. Ngã rẽ đầu tiên đưa Dũng vào "hành trình" phạm tội là hành vi tham ô của công, bằng việc bớt 200kg các loại vật liệu nổ để đi đánh cá; đổi gà, vịt cải thiện bữa ăn cho anh em trong sinh hoạt đời thường (vì giai đoạn đó rất khó khăn), Dũng đã phải trả giá đắt, đưa anh từ chỗ đang đứng trên đỉnh cao vinh dự bỗng chốc thành tội đồ. Vì sai phạm trên, tháng 8/1982, Dũng bị "treo giò" trước khi khai trừ khỏi Đảng. Tháng 11/1982, Dũng chính thức bị khai trừ khỏi Đảng.
Quá sốc sau cú ngã đau, Dũng buông xuôi tất cả, cộng với máu giang hồ ẩn chứa bấy lâu trong người, anh đã lao vào "thế giới đen" với muôn vàn cám dỗ. Chẳng mấy chốc, Dũng đã trở thành một tướng cướp lỳ lợm và hiếu chiến khét tiếng vùng vàng Na Rì (Bắc Kạn). Từ đây, biệt danh Dũng “Ka kơ” được sinh khai, nổi danh, xưng bá một vùng.
Đầu những năm 90 (của thế kỷ trước), trên hành trình khai hoang ở Thần Xa (Võ Nhai, Thái Nguyên), vì quá túng quẫn, Dũng đã gây ra vụ cướp táo bạo tại Thác Riềng. Rút súng bắn thẳng vào một chiếc xe khách rồi cướp đi toàn bộ tư trang của 50 hành khách trên xe có giá trị lên đến 64 triệu đồng (một lượng tiền quá lớn thời bấy giờ). Với sự manh động, liều lĩnh của mình, Dũng “Ka kơ” trở thành một mối lo lớn cho xã hội. Sau rất nhiều lần truy bắt, đến cuối năm 1990, Dũng "sa lưới" pháp luật, nhưng trong quá trình tạm giam, tên tướng cướp khét tiếng một vùng đã tìm đường trốn thoát, phiêu bạt về Quảng Ninh buôn bán động vật hoang dã từ Đắk lắk sang Trung Quốc. Sau đó, Dũng chạy lên vùng đá đỏ Lục Yên (Yên Bái) tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới, tính mưu kế mới và gây dựng lại thanh thế.
Đến Lục Yên không lâu, Dũng bắt đầu tính chiêu làm ăn, đầu tiên là làm nghề xe ôm ở vùng đá đỏ đầy hiểm trở. Nhanh chóng, đoàn xe ôm của Dũng đã thao túng địa bàn này, bao thầu toàn bộ quá trình xuất - nhập cảnh cho cả mỏ đá quý (nơi chứa biết bao giấc mơ đổi đời của dân phu đi đào đá). Ngoài xe ôm, Dũng “Ka kơ”, còn mở rộng ngành nghề kinh doanh bằng hình thức đánh bạc, đề đóm,... tính ra, một ngày cũng lãi từ 40 - 50 triệu đồng.
Sau bao nhiêu tội ác gây ra, lương tâm thức tỉnh, ngày 22/4/1994, tướng cướp khét tiếng một thời Lê Văn Dũng đã đầu thú tại công an tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) với 3 tội danh và bị kết án 11 năm tù. Chấm dứt hành trình 12 năm xưng bá một vùng. Nhưng đó lại chính là nền tảng cho bước khởi đầu hoàn lương của một tướng cướp khét tiếng.
Sau 6 năm ở tù (được Chủ tịch nước đặc xá, giảm án 5 năm vì cải tạo tốt), Dũng “Ka kơ” đi từ hai bàn tay trắng, sau bao công sức, ông đã xây dựng cho mình một cơ nghiệp với khối tài sản hàng trăm tỷ đồng. Không những thế, nhiều phạm nhân sau khi ra tù, đã được ông đùm bọc, giúp đỡ làm lại cuộc đời.
Đoàn cựu phạm nhân Thụy Điển thăm doanh nghiệp của “ông trùm” một thời Dũng “Ka kơ” nay đã hoàn lương.
Hội ngộ
Cuộc hội ngộ hai nhân vật từ hai vùng trời khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là đã từng phạm trọng tội đem lại một không khí thân mật. Đơn giản chỉ là những cái bắt tay, ôm hôn, nhưng trong mỗi con người đều chứa những cảm xúc khó tả. Với Dũng “Ka kơ”, cuộc gặp này sẽ cho ông nhiều điều tò mò về người phương Tây sau tù sẽ làm lại cuộc đời ra sao và sau cuộc gặp này ông còn điều gì phải làm để giúp những người phạm tội về cộng đồng trọn vẹn. Còn với Peter Soderlund, nghe tiếng Dũng “Ka kơ” từ những lần sang Việt Nam trước, nhưng hôm nay, bằng xương, bằng thịt, bằng cả cơ ngơi con người này dựng lên trước mắt, ông muốn nghe Dũng “Ka kơ” nói nhiều hơn nữa về số phận, và cuộc đời của nhân vật này.
Nói về con người Dũng “Ka kơ”, Peter Soderlund không giấu nổi sự ngưỡng mộ: "Tôi rất vinh dự khi được gặp nhân vật nổi tiếng này, ông là phạm nhân nổi tiếng trước đây, nhưng khi trở về cuộc sống bình thường của một người đã hoàn lương. Đáng nói, ông đã vượt lên hoàn cảnh để trở thành những công dân xuất sắc. Các thành viên trong đoàn X-Cons đều bày tỏ thái độ ngưỡng mộ khi thăm công ty của ông Dũng “Ka kơ”, họ còn hy vọng sẽ noi gương được ông".
Chính những con người mà Peter Soderlund được gặp như Dũng “Ka kơ” ở Việt Nam, ông mới đúc rút ra cho mình nhiều điều, "theo tôi, dù phạm nhân là người Việt Nam, Thụy Điển hay quốc gia nào đi nữa, trong mỗi con người họ đều có khát khao thay đổi bản thân, vượt lên hoàn cảnh. Quan trọng là chúng ta có nhìn thấy để giúp họ biến khát khao ấy thành hiện thực hay không mà thôi".
Chính cuộc gặp gỡ này, phía X-Cons muốn thông qua Hội Luật gia Việt Nam xây dựng một dự án giúp những phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng ở doanh nghiệp Dũng Tân (công ty do Dũng “Ka kơ” làm Giám đốc - PV), bởi không đâu như nơi này, những phạm nhân sau khi ra tù họ sẽ có những tấm gương tốt để phấn đấu hoàn lương.
Hồi kết
"Xin nhấn mạnh rằng, X-Cons sang đây không phải để giúp Việt Nam mà chúng tôi đang giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Có những điều các bạn làm tốt, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu. Hy vọng sự hợp tác giữa Việt Nam và Thuỵ Điển thành công, tạo thành tấm gương để chúng tôi mở rộng mối hợp tác sang các nước khác trong khu vực và trên thế giới", Peter Soderlund chia sẻ.
Qua câu chuyện của Dũng “Ka kơ”, Peter Soderlund đúc rút ra nhiều điều, đặc biệt trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội những cựu phạm nhân X-Cons Thụy Điển, với ông cách hiểu đơn giản: "Trách nhiệm giúp các phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng phải từ 3 phía (gia đình, xã hội và Nhà nước). Và cả 3 phía này phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giúp các phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng. Sự kết hợp này mới tạo ra sức mạnh giúp các phạm nhân trở về cuộc sống đời thường một cách tốt nhất, bởi họ cần những thứ cơ bản như: Nhà ở, công việc, mối quan hệ xã hội".
"Hãy tự thay đổi chính mình - đó là thông điệp mà tôi muốn gửi đến toàn thể các bạn. Vì cuộc đời thay đổi khi chúng ta thay đổi mà thôi, gạt bỏ mặc cảm để hướng đến việc hoà nhập cộng đồng. Bạn sẽ làm được nếu quyết tâm", Peter Soderlund chia sẻ thông điệp gửi đến những người bạn Việt Nam.
Tại Việt Nam, X-Cons đã kết hợp chặt chẽ với Trung tâm tư vấn pháp luật tái hoà nhập cộng đồng của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Thông qua việc cử cán bộ của trung tâm và người X-Cons tới tận nơi sinh sống của những người mới mãn hạn tù, những người sắp mãn hạn tù để tiếp xúc trực tiếp giúp cho họ vượt qua được những mặc cảm ban đầu để tự mở lòng khi bày tỏ những mong muốn và nguyện vọng của mình về tương lai, đồng thời cũng giúp họ giải quyết những vướng mắc về pháp luật mà họ gặp phải sau khi mãn hạn tù và hỗ trợ họ tham gia các khóa đào tạo nghề và tìm việc làm miễn phí. Dự án đó ở Việt Nam có tên gọi: "Từ nhà tù tới niềm kiêu hãnh".
(Sebastian Sadconen, một cựu phạm nhân Thụy Điển)
V.Trần - B.Hằng