Ưu tiên doanh nghiệp có cam kết lan tỏa
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều 4/6, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) nêu, theo báo cáo số 118 của Bộ Công Thương có đề cập Bộ sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao giá trị nội địa hoá của sản phẩm trong nước để phát triển ngành công nghiệp nước ta theo hướng bền vững.
“Vậy theo Bộ trưởng, trong giai đoạn mới cần điều chỉnh chính sách cốt lõi và chiến lược nào trong thu hút FDI và lộ trình giải pháp sẽ thế nào?”, bà Xuân đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để hội nhập một cách thành công không phải đo đếm bằng các hiệp định đã ký, vốn, nhà đầu tư nước ngoài hay kim ngạch xuất khẩu… Quan trọng là doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được bao nhiêu, tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là bao nhiêu mới là quan trọng.
“Nâng hiệu quả thì phải nâng sức khỏe doanh nghiệp trong nước”, ông Diên nói.
Với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, theo Bộ trưởng đã đến lúc phải rà soát để có những cơ chế chỉ ưu tiên thu hút đầu tư với những doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, có công nghệ quản trị tốt.
“Chỉ ưu tiên những doanh nghiệp có cam kết lan tỏa, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Phải có lộ trình thì mới được triển khai”, Tư lệnh ngành Công Thương nêu.
Hàng Việt bị khởi kiện 247 vụ phòng vệ thương mại
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về nội dung trên? Quan điểm và giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài? Tại thị trường Việt Nam, chúng ta đã và sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước?”, bà An đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam bị các đối tác nước ngoài khởi kiện 240 vụ, từ 24 thị trường với rất nhiều mặt hàng. Nguyên nhân là do Việt Nam đã tận dụng được các lợi thế từ các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, quy mô tăng từ 5-6%.
“Năm nào chúng ta cũng xuất siêu, năm cao nhất là 28 tỷ USD. Theo quy định, thì người ta phải xem xét các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước của họ”, ông Diên nói.
Theo Bộ trưởng, việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung. Tuy nhiên, ông Diên đánh giá, một số nước có xu hướng phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước “quá mức cần thiết”, thậm chí sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật điều tra chưa phù hợp.
“Trong thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại, giải quyết nhiều vụ như thép, mật ong, một số dệt may…”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.
Thời gian tới, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường phối hợp, giám sát xác minh trong việc cấp giấy chứng nhận khai báo xuất sứ sản phẩm khi thông quan, đăng ký xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời, cung cấp cấp cho doanh nghiệp hoạt động ở địa phương các thông tin cần thiết để khai thác được các Hiệp định.