Gập ghềnh con đường đến trường
Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kéo giảm tệ nạn ma túy, thì việc học tập của học sinh dân tộc H’Mông tại thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cũng đã bước sang một trang mới đầy hy vọng.
Theo thầy Bùi Minh Đô, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (xã Ea Dăh), thôn Giang Đông nằm sâu trong rừng nên trước đây việc học sinh đến trường đều đặn là "bài toán" khó của trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã và chính quyền quyền địa phương.
Ông Đô lý giải: "Thôn Giang Đông cách các trường tiểu học, THCS của xã tới 10-13km. Trước đây, con đường từ thôn Giang Đông ra trung tâm xã là tuyến đường đất lởm chởm đá, nhiều đoạn dốc thăm thẳm, đi qua các khe đồi, khe núi. Vào mùa mưa, con đường này vô cùng lầy lội nên việc đi lại vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do đó, cứ vào mùa mưa, học sinh ở thôn Giang Đông lại nghỉ học, thậm chí nhiều em bỏ học giữa chừng. Một số em còn lập gia đình khi đang là học sinh lớp 8, lớp 9".
Thực trạng này đã trở thành nỗi trăn trở lớn của nhà trường và chính quyền địa phương. Bởi việc học sinh bỏ học không chỉ ảnh hưởng tới trình độ dân trí mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Trước tình hình trên, các thầy cô giáo của trường tiểu học, THCS đã phối hợp với chính quyền địa phương lặn lội đến từng nhà để vận động học sinh trở lại lớp. Nhưng sự quan tâm của gia đình khi ấy gần như không có, nên số học sinh trở lại trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Sùng A Sáu (SN 1996, trú tại thôn Giang Đông, xã Ea Dăh) cho biết, gia đình anh quê ở tỉnh Yên Bái. Do cuộc sống khó khăn nên năm 1996, gia đình anh tìm vào thôn Giang Đông để lập nghiệp.
Ở vùng đất mới, vợ chồng anh chạy ăn từng bữa để nuôi 5 người con nên hiếm khi quan tâm đến việc học của các con. Hơn nữa, vào mùa mưa, con đường đến trường trơn trượt và lầy lội, khiến các con anh thường xuyên vắng mặt ở lớp.
Bệ phóng cho những ước mơ
Thấu hiểu những khó khăn của học trò vùng sâu, ký túc xá 115 (xã Ea Dăh) đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2019 nhằm giúp cho các cháu nhỏ ở thôn Giang Đông có chỗ ở sạch đẹp, an toàn và thuận lợi cho việc đi học.
Công trình với quy mô 115 giường có tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ đồng, chính thức phục vụ nhu cầu học tập của các em từ năm học 2020-2021.
Đây là một công trình thiện nguyện do Quỹ Trò nghèo vùng cao huy động, kết hợp với ngân sách đối ứng từ UBND huyện Krông Năng.
Không chỉ vậy, học sinh người dân tộc H’Mông ở thôn Giang Đông được hỗ trợ gạo và 40% lương cơ bản theo quy định tại Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Khoản hỗ trợ này giúp đảm bảo bữa ăn hằng ngày của các em.
Đồng thời, huyện Krông Năng cũng hỗ trợ kinh phí thuê một bảo vệ và một cấp dưỡng để nấu ăn, chi trả tiền gas, tiền điện hằng tháng trong ký túc xá.
Được biết, ban đầu chỉ có 87 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đăng ký ở ký túc xá. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay con số này đã tăng lên 163 em, tất cả đều đang học tại Trường THCS Chu Văn An và Trường Tiểu học Ea Dăh.
Ông Bùi Minh Đô, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, khẳng định: "Từ khi có ký túc xá, 100% học sinh của thôn Giang Đông đều đặn đến trường mỗi ngày, chấm dứt tình trạng bỏ học trước đây.
Chất lượng học tập của các em cũng không ngừng được nâng cao. Từ một thôn chỉ có chưa đến 10 học sinh cấp 3, giờ đây có khoảng 45-50 em đang theo học tại các trường THPT và học nghề".
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau giờ học, các em trở về ký túc xá nghỉ ngơi. Tại đây, các em được ở trong những căn phòng sạch sẽ, được ăn 3 bữa ăn phong phú do nhân viên cấp dưỡng chuẩn bị.
Vào buổi tối, dưới sự hỗ trợ của nhân viên bảo vệ, các em tập trung tại nhà ăn để cùng nhau học bài trước khi đi ngủ vào lúc 21h.
Nở nụ cười rạng rỡ, em Sùng Thị Đài, học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An, cho hay: "Từ khi được ở trong ký túc xá 115, chúng em đều rất phấn khởi và có thêm động lực để cố gắng, phấn đấu học tập hơn nữa. Chúng em hy vọng sẽ trở thành những thế hệ tương lai xây dựng địa phương ngày càng phát triển".
Nhiều bậc phụ huynh ở thôn Giang Đông cũng thấy vui mừng trước sự ham học của con cái. Anh Sùng A Sáu bày tỏ: "Từ khi ở ký túc xá, không chỉ kết quả học tập cao hơn mà ý thức sống của các con cũng được nâng lên. Do đó, chúng tôi an tâm hơn khi gửi các con ở ký túc xá đến chiều thứ Bảy mới đón về nhà", anh Sùng A Sáu chia sẻ.
Hiệu trưởng Bùi Minh Đô nhấn mạnh: "Ký túc xá không chỉ góp phần giải quyết tình trạng bỏ học mà còn cải thiện rõ rệt sức khỏe của các em học sinh, tỉ lệ suy dinh dưỡng gần như không còn nữa. Các em đã hình thành nề nếp học tập, làm việc có nguyên tắc, kỷ luật và đoàn kết hơn. Ký túc xá 115 thực sự trở thành bệ phóng cho những ước mơ, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho học sinh thôn Giang Đông mà còn cho cả cộng đồng nơi đây".
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Nhật Phùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dăh, cho hay, thôn Giang Đông có 173 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 80% dân số là người dân tộc H’Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống.
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất, cây giống cho bà con thôn Giang Đông theo chương trình phát triển kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ. Năm 2024, có 18 hộ trong thôn đang được huyện phê duyệt hỗ trợ bò cái sinh sản. Trước đó, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với huyện triển khai mô hình vải chín sớm cho khoảng 10 hộ dân. Năm 2020, thôn Giang Đông đã được tỉnh phê duyệt đầu tư theo chương trình ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 168 tỷ đồng và đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Đáng mừng hơn, từ khi có ký túc xá 115, học sinh của thôn Giang Đông đi học 100%. Người trong thôn đua nhau cho con ăn học, với hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo luẩn quẩn. Đây là chuyển biến rất lớn trong nhận thức của người dân tộc H’Mông ở thôn Giang Đông.
Khánh Ngọc