Với góc nhìn của người hỏi, chúng ta chỉ cho rằng đây là câu hỏi xã giao, để mở đầu câu chuyện, thể hiện sự quan tâm, việc các bạn trẻ thể hiện cảm xúc như trên chẳng phải là quá đà sao?
Không hề! Những câu nói ấy thực sự không vô thưởng vô phạt như mọi người nghĩ.
Bản thân chúng ta đều hiểu mỗi người có một cuộc sống khác nhau. Chúng ta đạt được những thành tựu của riêng mình và phải đối đầu với những thử thách chẳng giống ai. Đối với một số người cuộc sống sẽ êm ả nhẹ nhàng nhưng số khác lại thấy vô cùng khó khăn.
Có những khó khăn ta có thể vượt qua tuy nhiên cũng có những chuyện trở nên bế tắc, khó lòng giải quyết trong thời điểm hiện tại. Đó có thể là việc lận đận trong chuyện tình cảm hay là quá trình theo đuổi sự nghiệp đầy chông gai.
Nếu hiện tại chưa giải quyết được thì chúng ta không nên nghĩ ngợi về nó quá nhiều để buồn phiền, thay vào đó hãy tạm gác chuyện đó lại và tập trung vào các khía cạnh khác trong cuộc sống. Nhưng làm sao để quên đi khi người khác cứ gợi lại cho ta về vấn đề ấy?
Một, hai câu nói vô tình đã khiến ta phải suy nghĩ rồi, đây năm này qua năm khác, người này đến người kia hỏi đi hỏi lại cùng một câu, bảo sao giới trẻ không kêu trời.
Thà rằng, chỉ hỏi qua câu đấy sau đó sẽ chuyển sang chuyện khác, nhưng một số người lại thích hỏi gặng, hỏi cố, một câu không đủ phải hỏi cho thật chi tiết, cứ xoáy sâu vào chủ đề người ta muốn né tránh, cảm nhận được sự quan tâm ấm áp hay không?
Về phía người trả lời, khi được hỏi những câu trên ắt hẳn không vui, nhưng không thể tỏ thái độ trước mặt người khác được, như vậy là bất lịch sự. Cũng không thể nói hết nỗi lòng ra trước mặt người lạ, đầu năm đầu tháng nói dối cũng không hay, trả lời qua loa thì bị hỏi gặng. Vậy trả lời như thế nào cho đúng?
Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc hội thoại vui vẻ nhưng trong trường hợp này thì người muốn hỏi thì hỏi không được, người đáp thì chẳng muốn trả lời, cuộc hội trở nên gượng gạo và xã giao, mối quan hệ lại thêm phần sứt mẻ.
Đó đâu là điều chúng ta hướng tới, chúng ta hỏi, để trò chuyện, để quan tâm nhau, để hiểu nhau hơn, đề vun đắp tình cảm, dù là họ hàng hay người lạ. Vậy nên hãy tránh hỏi những câu hỏi chi tiết và nhạy cảm. Thay vào đó hãy hỏi những hỏi mở và gợi chuyện.
Ví dụ như: “Dạo này cháu ổn chứ?”, “Năm mới có tin gì mới không cháu?”, “Năm qua có gì vui không cháu?”
Cuộc đời của mỗi con người đâu chỉ bó hẹp xung quanh chuyện kết hôn hay sự nghiệp, tiền bạc, còn nhiều khía cạnh khác thú vị hơn mà. Có thể năm nay chàng trai trẻ độc thân vẫn chưa tìm được một công việc ổn định nhưng anh ta lại có một chuyến thiện nguyện vô cùng ý nghĩa ở miền núi xa xôi. Nếu chỉ hỏi anh ta bao giờ lấy vợ hay lương tháng bao nhiêu, thì làm sao có thể nghe được câu chuyện về chuyến đi của anh. Hãy để người trả lời được kể, được lựa chọn những điều muốn chia sẻ, lúc ấy chúng ta sẽ được nghe những câu chuyện thú vị.
Hãy đòn chào năm mới bằng những cuộc trò chuyện hân hoan, vui vẻ, bắt đầu từ những câu hỏi tinh tế và tế nhị.