Thời gian qua, tại một số địa phương đã diễn ra hiện tượng một số đối tượng, hội nhóm với tên gọi “Hội thánh Đức Chúa Trời” hoặc “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, xâm hại đạo đức, đạo lý người Việt, gây bất ổn trong đời sống xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của các tôn giáo khác đang hoạt động hợp pháp, tuân thủ quy định của pháp luật.
Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức tôn giáo có tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” hoặc “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” nhưng theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới” tại TP.Hồ Chí Minh là hội thánh duy nhất trong số các tổ chức tôn giáo cùng tên được Nhà nước chấp thuận cho phép sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Truyền đạo sư và là người thành lập điểm nhóm sinh hoạt “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới” tại phường Bình Thuận Đông A, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, những thông tin đang lan truyền liên quan đến một số hành vi sai trái của những nhóm người xưng danh “Hội thánh Đức Chúa Trời” hoặc “Hội thánh của Đức Chúa Trời” cần được kiểm chứng và làm rõ để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh và hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới.”
Ông Nguyễn Văn Hòa khẳng định giáo lý của Hội thánh đề cao tình yêu gia đình, tình yêu con người. Hội thánh luôn muốn các thánh đồ trở thành những người tốt, để xây dựng những gia đình tốt đưa đến một xã hội và đất nước tốt đẹp.
“Điều quan trọng nhất của Hội thánh của Đức Chúa Trời là yêu người lân cận như mình, quan tâm và săn sóc cho gia đình và tham gia công tác xã hội như hiến máu nhân đạo, vệ sinh đường phố, chia sẻ giúp đỡ những người gặp khó khăn,” ông Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Truyền đạo sư Nguyễn Văn Hòa khẳng định, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" không chỉ được dạy dỗ những gì có trong Kinh Thánh mà còn luôn luôn thực hiện theo đúng pháp luật và Hiến pháp Việt Nam.
Hội thánh luôn tuân thủ pháp luật, cụ thể là Luật Tôn giáo Tín ngưỡng có hiệu lực từ 1/1/2018. Tiêu chí của Hội thánh được công bố là luôn luôn mong muốn giúp đỡ cho gia đình và xã hội tốt hơn.
Về những hoạt động sai trái của những nhóm người "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" ở một số địa phương phía Bắc, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Những hoạt động đó chưa được sự cho phép của nhà nước và vì thế chưa thể coi đó là một tôn giáo. Đã sống ở Việt Nam cần phải tuân thủ luật pháp và Hiến pháp Việt Nam. Những nơi nào mà sinh hoạt tôn giáo chưa đúng, luật pháp Nhà nước ta phải có biện pháp giúp họ sống tốt hơn, làm cho họ tuân thủ pháp luật.”
Vị truyền đạo sư của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" khẳng định, Hội thánh không bao giờ dạy dỗ thánh đồ đập bàn thờ tổ tiên, đập bát nhang hay phỉ báng truyền thống gia đình.
Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới luôn tôn trọng gìn giữ truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, Hội thánh luôn khuyến khích và yêu cầu các thánh đồ là học sinh, sinh viên phải học tập thật tốt, có thái độ tôn kính, yêu thương gia đình. Hội thánh tuyệt đối không rao giảng về ngày tận thế, cũng như không truyền đạo tại công viên, nơi công cộng mà “chứng đạo” thông qua hành vi tốt đẹp của mỗi thành viên trong gia đình và xã hội để tạo sự lan tỏa, thuyết phục mọi người đến với Hội thánh.
Theo ông Hòa, hiện tồn tại rất nhiều tổ chức Tin Lành có tên gọi giống hoặc tương tự Hội thánh của Đức Chúa Trời, nhưng phần lớn đều là những hội tôn giáo tư gia và không liên quan đến Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới.
Được biết, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" (còn gọi là Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ), có nguồn gốc từ Hàn Quốc.
Theo thông tin từ Tổng hội thánh (có trụ sở tại Hàn Quốc), tính đến cuối tháng 12/2017, Hội thánh này có hơn 2,8 triệu thánh đồ đăng ký thành viên tại hơn 7.000 Hội thánh ở 175 quốc gia.
"Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" tại TP.Hồ Chí Minh được cấp giấy phép sinh hoạt tôn giáo tập trung vào tháng 7/2017.
Hiện nay, có khoảng 600 người tại TP.Hồ Chí Minh là thành viên "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới," sinh hoạt ở 4 điểm hội đã đăng ký tại quận 8, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh.
Ngoài Hội thánh tại TP.Hồ Chí Minh, hiện chưa có điểm hội nào của Hội thánh được cấp giấy phép sinh hoạt hội nhóm.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong thời gian qua, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" luôn hài hòa trong sinh hoạt đạo và đời.
Các thánh đồ đã tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện như vệ sinh đường phố, hiến máu nhân đạo, thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống tại phường Bình Hưng Hòa A.
Tương lai "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" tại TP.Hồ Chí Minh sẽ hướng tới việc giúp đỡ học sinh khó khăn và người neo đơn.
Bản thân ông Hòa đã nhiều năm nhận được giấy khen của hội Chữ thập đỏ TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Bà Kim Anh, hiện trú tại chung cư Ruby Land 58/4, Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, một thành viên lâu năm của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới" băn khoăn, trong thời gian qua, có nhiều thông tin không rõ đúng sai gây hiểu lầm đối với Hội thánh…
Bà Kim Anh nói thêm: “Là một người làm kinh doanh lâu năm và có kinh nghiệm cuộc sống, sau khi tham gia Hội thánh, tôi đã học thêm được nhiều điều tốt đẹp. Các con tôi đều tham gia Hội thánh và đều đạt học lực học sinh giỏi, chăm ngoan. Rất mong pháp luật nhanh chóng làm rõ, phân biệt rạch ròi những tôn giáo hoạt động nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và những hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo làm bất ổn xã hội.”
Những mong muốn của bà Kim Anh không chỉ là mong muốn của những thành viên tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp mà còn là mối quan tâm và kỳ vọng chung của cộng đồng dân cư trong xã hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân.
Nhưng cũng chính vì vậy, cơ quan chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chủ động phòng ngừa, đấu tranh với những hoạt động tôn giáo, tin ngưỡng trái pháp luật, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, để góp phần đảm bảo quyền tự do chân chính của các tín đồ hoạt động tôn giáo tự do, bình đẳng, đúng pháp luật.
Việc nhận diện những cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động sinh hoạt tôn giáo nhằm vụ lợi, gây ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội là một việc làm rất cần thiết, giúp cộng đồng hiểu, cảnh giác và đấu tranh với các hành vi sai trái, làm lành mạnh hóa đời sống sinh hoạt tôn giáo của xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Xuân Khu (