Nhân viên ứng xử kiểu côn đồ
Khi báo Người Đưa Tin đăng bài viết vạch trần sự gian dối trong chiêu tiếp thị sản phẩm để bán hàng rởm của công ty Sơn Hà, nhiều người dân tỉnh Tây Ninh đã gọi đến đường dây nóng, chia sẻ bức xúc khi mua phải hàng kém chất lượng. Trong đó, bà con nhân dân xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh còn gửi lời cảm ơn báo đã nhanh chóng vào cuộc xác minh thông tin, đăng tải bài viết khách quan cảnh giác người dân ở các vùng quê nghèo.
Bên cạnh đó, người dân tiếp tục tố cáo việc bị nhân viên công ty Sơn Hà đối xử kiểu côn đồ khi liên hệ đổi trả hàng kém chất lượng. Anh H.Đ.B. (30 tuổi) phản ánh: “Bây giờ, ngày càng có nhiều chiêu trò bán hàng tinh vi kiểu "sấp ngửa bàn tay". Nhóm người công ty Sơn Hà đến địa bàn xã tỏ ra lịch sự, tận tình, thân thiện. Nhưng vừa bán xong lô hàng rởm, họ lộ rõ bản chất lừa đảo, ứng xử ngay kiểu vô văn hóa, bỏ rơi khách hàng.…”
Sau khi mua nồi cơm điện Okatashi méo mó, bà H.T.R. (52 tuổi, ngụ xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) tìm nhân viên đổi hàng đã suýt “mất mạng”. Theo đó, bà mang nồi cơm điện Okatashi méo mó, hư hỏng tìm đến cuộc hội thảo của công ty Sơn Hà tổ chức ở xã khác cách nhà bà khoảng 10km gặp nhân viên yêu cầu đổi hàng. Lúc này, nhân viên nói bà chờ hết hội thảo bán hàng sẽ giải quyết. Thế nhưng, khi hội thảo kết thúc, nhân viên im lặng lên xe ô tô chạy mất.
Quá bức xúc, bà R. liều mình đuổi theo chiếc ô tô và chặn phía trước buộc tài xế phải dừng lại. Bà R. nói lớn: “Không giải quyết cho tôi, tôi cứ đứng đây”. Lập tức, một nhân viên mở cửa xe ô tô đáp trả: “Bà có giỏi thì lên xe đi, chúng tôi chở đi luôn”.
Thấy vị khách đứng lỳ trước xe, nhóm nhân viên xuống giọng nói sẽ đổi hàng cho bà. Thế nhưng, bà phải đợi vì hàng lấy từ chiếc xe ô tô khác của công ty. Những xe này đang tổ chức hội thảo ở các xã gần kề.
Nửa giờ sau, chiếc ô tô mới đến. Một thanh niên bước đến xe bê một chiếc nồi khác rồi “vứt” xuống đất. Người này nói với bà R.: “Đổi nồi mới cho bà đấy”. Cùng lúc, bà R. đến bê chiếc nồi và mở nắp hộp ra xem thử thì hai nhóm nhân viên đều lên xe ô tô đi mất. Mọi người chứng kiến rất bất ngờ với ứng xử dành cho "thượng đế" của nhóm nhân viên bán hàng.
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm
Nói về vấn đề xử lý vi phạm khi các công ty lấy danh nghĩa tổ chức bán hàng hội thảo kém chất lượng, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Thông thường, các công ty tổ chức sự kiện truyền thông đều có giấy phép hoạt động kinh doanh do sở Kế hoạch và Đầu tư, hoặc sở Công Thương cấp. Nhưng khi hoạt động, họ lách luật để buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc để kiếm lợi nhuận”.
Theo vị luật sư, để kiểm tra chất lượng hàng hóa bán ra không đúng với lời giới thiệu của nhóm bán hàng, người dân cần báo cho cơ quan quản lý thị trường ngay. Cơ quan quản lý thị trường vào cuộc sẽ trực tiếp kiểm tra giấy tờ, xuất xứ hàng hóa… sẽ biết hàng đó thật hay giả, chất lượng ra sao. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm về mặt hành chính cũng như thu giữ, tiêu hủy hàng hóa.
Theo nhận định của cán bộ quản lý thị trường, chất lượng hàng hóa qua tay công ty bán dạo đa phần kém chất lượng. Ngoài việc kiểm tra liên tục, cơ quan chức năng cũng cần người dân hỗ trợ cung cấp tin báo. Trong đó, việc tố cáo hiện tượng buôn bán hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc tới cơ quan chức năng rất cần thiết.
Luật sư Trần Đình Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều nhóm, cá nhân, đối tượng kinh doanh kín kẽ trong việc trà trộn hàng rởm gắn mác hàng thật bán cho người tiêu dùng. Nếu người dân lỡ mua một sản phẩm lỗi, kém chất lượng mà im lặng bỏ qua, sẽ có nhiều người khác bị lừa. Khi chúng ta mạnh dạn tố cáo lên chính quyền, cơ quan quản lý thị trường, báo chí… sẽ góp phần nâng cao tính cảnh giác của người dân".
Huệ Trần