Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, các cấp hội Luật gia đã tích cực tham gia vào công tác hòa giải cơ sở (HGCS) và thu được nhiều kết quả. Trong nhiệm kỳ 2014 – 2019, các cấp hội Luật gia đã thực hiện hòa giải thành hơn 110.000 tranh chấp nhỏ.
Mặc dù luật Hòa giải cơ sở hiện hành chưa có quy định cụ thể về sự tham gia của hội Luật gia Việt Nam vào công tác HGCS, nhưng trong một số văn bản của Đảng, Chính phủ đều ghi nhận và khuyến khích sự tham gia của hội Luật gia vào công tác này.
Để có cơ sở đưa ra các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò của Hội trong HGCS, trong năm 2019, hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát về công tác hoà giải của các cấp Hội, với mong muốn là đánh giá tổng thể về vai trò của hội viên hội Luật gia Việt Nam và cơ chế tham gia của hội viên trong hoạt động HGCS.
Căn cứ vào các kết quả được, năm 2020, Hội tiếp tục tiến hành xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mô hình HGCS cho các cấp hội Luật gia địa phương. Mục tiêu của bộ tài liệu là đưa ra một số đề xuất về những mô hình hoà giải mà hội Luật gia các cấp có thể áp dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức, năng lực thực hiện của Hội, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển cũng như tính hiệu quả của hoạt động hoà giải cơ sở.
Do đó, hội Luật gia Việt Nam phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo tham vấn này với mục đích chia sẻ kết quả của tài liệu tới các chuyên gia mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện tài liệu...
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Văn Quảng, nguyên cán bộ (bộ Tư pháp) nêu ý kiến, trước tiên để mô hình hội luật gia tham gia công tác hoà giải cơ sở cần giải quyết các thách thức như: Phát huy vai trò của Hội, bởi chưa được lãnh đạo địa phương đánh giá đúng mức; Cơ sở pháp lý, mặc dù trong luật hoà giải, quyết định có nêu hội Luật gia tham gia vào công tác hoà giải nhưng cụ thể thế nào thì chưa có; Cần đảm bảo nguồn lực (kinh phí) để hoạt động HGCS được lâu dài và phát huy năng lực thực sự của hoà giải viên.
"Để mô hình tổ chức đi vào thực tiễn, tôi đề nghị cần thực hiện như xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng đội ngũ hoà giải viên, cơ chế phối hợp quản lý giữa hội Luật gia với cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề tài chính, điều kiện vật chất để đảm bảo hoạt động, từng bước tổ chức thực hiện mô hình HGCS", ông Quảng nêu.
Góp ý tại hội thảo, ông Trần Huy Liệu, nguyên Cục trưởng cục trợ giúp pháp lý (bộ Tư pháp) khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng tài liệu. Để hoàn chỉnh tài liệu cần cân nhắc cho phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, quy trình tổ chức, tiến hành hoà giải cần bám sát thực tiễn. Ví dụ như khoảng cách địa lý. Ở nhiều địa phương có khoảng cách địa lý giữa các vùng xa nhau, địa hình di chuyển khó khăn, vì vậy việc tiếp cận và mời gọi hoà giải gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng vụ Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (bộ Tư pháp) đánh giá tài liệu đã được nhóm nghiên cứu xây dựng nghiêm túc, có sự đầu tư về chuyên môn với việc khảo sát thực tiễn trong nước và tham khảo mô hình ở nước ngoài...
Tuy nhiên, tài liệu đưa vào hòa giải lao động, hòa giải thương mại vào chung HGCS là chưa phù hợp với quy định hiện hành bởi hòa giải lao động và hòa giải thương mại đã có trong Bộ luật Lao động, luật Thương mại riêng.
Theo luật gia Nguyễn Chí Cường, Ủy viên BCH hội Luật gia quận Thanh Xuân (Hà Nội) góp ý, dữ liệu cần xây dựng sát thực tế. “Hòa giải cơ sở” đúng nghĩa là bám sát địa phương, làng, bản, tổ dân phố.
Kết thúc hội thảo, bà Lê Thị Kim Thanh đưa ra các yêu cầu với nhóm chuyên gia để hoàn thiện tài liệu. Cụ thể, cần phù hợp pháp luật hiện hành, đảm bảo khả thi khi áp dụng thực tế, phù hợp năng lực, nguồn lực của hội Luật gia Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia tư vấn cần rà soát bố cục, kỹ thuật dữ liệu sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.