Với những quan điểm khách quan, khoa học, với tư duy và cách nhìn nhận mới, Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó, có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ.
Nội dung Hội thảo gồm 2 phần:
- Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
- Những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967), tên thật là Nguyễn Vịnh. Ông sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông tham gia cách mạng năm 1934, nhập ngũ năm 1950, được phong Đại tướng năm 1959. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm chính trị - quân sự và đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: “Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, tiếp tục khẳng định và làm rõ những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sự nghiệp xây dựng Quân đội. Tôn vinh tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà chiến lược chính trị, quân sự song toàn; vị chỉ huy xuất sắc của quân đội; người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên - Huế và là một mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng.
Nói tới Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nói đến quần chúng, nói đến phong trào quần chúng. Cuộc đời ông được sinh ra dường như để sống với nhân dân. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, và từ đó sinh ra gió "Đại Phong". Hồi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy - Đại tướng nhưng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên có mặt ở các đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ và từ đó cờ "Ba Nhất" phấp phới bay. Có thể nói Nguyễn Chí Thanh ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng. Bởi ông tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Ông thường nói, không có quần chúng thì không thể có thắng lợi của cách mạng: "Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy", cán bộ phải lăn lộn, gắn bó với phong trào và chính ông là điển hình của một cán bộ như thế.
Phan Bình