Hội thảo nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai sẽ diễn ra ngày 23/8

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 16/08/2024 17:26

Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" sẽ diễn ra vào ngày 23/8 tới.

Cần kiên quyết thu hồi các dự án "treo"

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện, chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường về xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đặc biệt, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh triển khai khung chính sách pháp lý mới về đất đai và nhu cầu thực tiễn cần rà soát, tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và và vi phạm trong sử dụng đất công.

Nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai và tình trạng lãng phí, vi phạm trong sử dụng đất luôn được người dân quan tâm, các cấp, ngành coi trọng, chỉ đạo sát sao.

Hội thảo nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai sẽ diễn ra ngày 23/8- Ảnh 1.

Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đã có nhiều văn bản đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm, công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới, đặc biệt nhiều trường hợp bị xử lý hình sự, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn còn diễn ra gây bức xúc cho xã hội.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" cho thấy, hiện trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm.

Trong đó, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích diễn ra ở hầu hết các địa phương.

Nhiều dự án vi phạm kéo dài thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý.

Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến, bên cạnh một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện.

Trong đó có kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm, có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đoàn giám sát cũng đã kiến nghị Chính phủ thống kê đầy đủ các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất, tài sản công, các công trình phúc lợi công cộng…

Một cuộc khảo sát mới đây của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho thấy chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính hiện nay bình quân trên dưới 5%.

Tuy nhiên, phần lớn mặt bằng do các đơn vị này quản lý đều ở vị trí đắc địa nhưng sử dụng không hiệu quả.

Cá biệt một số lượng nhà, đất không nhỏ bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi rất nhiều tổ chức, thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Đây là sự lãng phí rất lớn, cần nghiên cứu, rà soát để giao đúng, giao đủ nhu cầu, phần còn lại Nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà đất quản lý.

Đã đến lúc các cấp, ngành cần vào cuộc khẩn trương thúc đẩy tiến độ, kiên quyết thu hồi các dự án "treo", các dự án vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai

Trong bối cảnh triển khai thi hành Luật Đất đai mới 2024 và căn cứ nhu cầu thực tiễn cần rà soát, tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công, Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công".

Hội thảo nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai sẽ diễn ra ngày 23/8- Ảnh 2.

Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Hội thảo được tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội, với thành phần tham dự gồm đại diện một số Ban, Bộ ngành ở Trung ương: Ban Nội chính Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Uỷ ban Pháp luật; Uỷ ban Kinh tế; Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên môi trường; Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước …

Hội thảo diễn ra với 3 Phiên: Phiên 1: Chính sách, pháp luật về sử dụng đất công hiện nay ở Việt Nam; Phiên 2 : Thực trạng, giải pháp trong quản lý và sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa; Phiên 3: Thảo luận, trao đổi, hỏi đáp; Tổng kết, bế mạc Hội thảo.

Hội thảo nhằm mục đích và tập trung các nội dung: Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đất đai.

Đánh giá thực trạng lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công (tập trung vào khu vực đất giao doanh nghiệp nhà nước, đất giao đơn vị sự nghiệp công ích…)

Rà soát, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong quản lý và sử dụng đất nói trên.

Nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Thực trạng các biện pháp xử lý đã thực hiện: kết quả, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế; các đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể.

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 79 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.