Chiều 28/11, Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 9 “Biển Đông hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” bước vào phiên thảo luận về “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) đưa ra nội dung và tiến trình thực hiện. Chủ tọa phiên thảo luận là Giáo sư Leszek Buszynski (trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Úc).
Trình bày tại phiên thảo luận, Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, trung tâm Luật Quốc tế (CIL), đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhấn mạnh các vấn đề về bảo vệ môi trường trên Biển Đông, khai thác đánh bắt cá và lòng tin giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trong đó, về vấn đề môi trường, Giáo sư Robert Beckman cho biết, có tới 80% ô nhiễm biển xuất phát từ đất liền. Do đó, các nước trong khu vực cần phải hợp tác với nhau để giải quyết trên cơ sở có những quy chế riêng. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực này cũng có thể hợp tác với các nước khác ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề ô nhiễm biển như Hoa Kỳ.
Đồng thời, Giáo sư Robert Beckman nhấn mạnh việc khai thác đánh bắt cá đang quá mức. Qua đó, ông cũng nhấn mạnh việc Việt Nam, Philippines, Trung Quốc có thể hợp tác với nhau để phát triển các vùng đảo. Trong đó, có quy định về vùng bảo tồn là nơi các nước khác không được đánh bắt cá.
Giáo sư Robert Beckman cho hay, quan trọng nhất giữa các nước Asean và Trung Quốc là việc xây dựng lòng tin với nhau trên Biển Đông để cùng hợp tác phát triển.
Tại buổi thảo luận, đa số các diễn giả đều thống nhất với quan điểm của Giáo sư Robert Beckman. Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Renping Zhang (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Công ước Biển Quốc tế, đại học Hàng hải Đại Liên, Trung Quốc) cho biết: “Các vấn đề về ứng phó, ứng cứu trên biển và bảo vệ môi trường cần được chú trọng”.
Bà Shafiah F.Muhibat, Nghiên cứu viên cao cấp, trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Indonesia nhận định Indonesia muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Các vấn đề về hợp tác trên Biển Đông cùng việc tạo lòng tin với nhau cần thực hiện trước khi COC hoàn thiện.
Cũng tại buổi thảo luận, Đại tá Martin A.Sebastian RMN, Giám đốc trung tâm An ninh Biển và Ngoại giao, viện Biển Malaysia (MIMA) nhấn mạnh cần xem lại tất cả các hoạt động về việc xây dựng lòng tin trên Biển Đông. Đồng thời, COC vẫn phải xây dựng lòng tin trong các vấn đề đánh bắt, môi trường, cứu hộ cứu nạn trên biển.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Hội thảo lần này, chúng ta đã thảo luận 2 vấn đề chính: Thứ nhất là thúc đẩy hợp tác; thứ hai là các cơ chế quản lý khủng hoảng. Và như vậy thì có thể bao gồm cả ý tưởng là thúc đẩy trật tự dựa trên những quy tắc cũng như hợp tác cụ thể về bảo vệ môi trường biển, quản lý đánh cá để bảo tồn trữ lượng cá, chống lại hải tặc có vũ khí ở biển”.
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhận định: “Sau 2 ngày làm việc, Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” được tổ chức tại TP.HCM năng động, mến khách đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc.
Qua Hội thảo cho thấy, chủ đề của Hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các vị học giả, các chuyên gia, luật gia và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khu vực và trên thế giới. Không khí của cuộc hội thảo diễn ra rất sôi nổi, khoa học và thiết thực.
Đặc biệt, nội dung của cuộc hội thảo cũng hết sức phong phú, sâu sắc và đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khác nhau của chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Theo đó, tôi có thể nói hội thảo của chúng ta đã thành công tốt đẹp”.
Hoàng Minh - Quốc Thông