Theo lời mời của Ban tổ chức Hội thảo, đoàn công tác của Hội Luật gia Việt Nam có 12 luật gia tham dự. Luật gia Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam làm trưởng đoàn; Luật gia Trần Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam làm Phó trưởng đoàn; Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các thành viên khác đến từ một số tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Chủ trì hội thảo có GS.TS Umnova Irina Anatolivna, Chủ tịch Quỹ quốc tế Con đường vì hòa bình, Liên bang Nga và ông Edre Olalia, Chủ tịch Liên minh Luật sư nhân dân quốc gia Phi-lip-pin, Chủ tịch chuyển tiếp, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia dân chủ Quốc tế. Hội thảo được chia làm hai phiên chính.
Phiên thứ nhất: Cập nhật tình hình Biển Đông và môi trường quốc tế. Các diễn giả đã cập nhật những diễn biến về mặt pháp lý, đối ngoại thực địa tại Biển Đông trong giai đoạn 2019-2021; Điều chỉnh chính sách của các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề Biển đông thời gian qua; Những sự kiện và thay đổi trong môi trường quan hệ quốc tế có mối liên hệ với Biển Đông.
Phiên thứ hai: Đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế tại Biển Đông. Để phù hợp với những diễn biến gần đây tại Biển Đông cũng như trong môi trường quốc tế, các diễn giả đã tập trung đề xuất các giải pháp để tăng cường xây dựng lòng tin, tránh va chạm trên biển, thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; Thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực để hỗ trợ giải quyết tranh chấp Biển Đông và tránh leo thang căng thẳng; Tăng cường hợp tác quốc tế tại Biển Đông trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học Biển; phát triển, phòng chống thiên tai, cứu hộ , cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông thay mặt đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh trong khi cộng đồng quốc tế và khu vực tiếp tục mong muốn Biển Đông là vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển thì nhiều chuyển động gần đây trong cạnh tranh nước lớn, tiến trình quân sự hóa tại khu vực và trên Biển Đông, đại dịch Covid-19… đã làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp với cả các thách thức an ninh cũ và mới; tình trạng an ninh phức hợp cho thấy, các nước vẫn chưa có cách xử lý hiệu quả mặc dù các nước đều quan ngại. Trong thời gian qua, mặc dù phần lớn các nước trên thế giới đều bày tỏ quan điểm phản đối các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi các nước cần tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện để bảo đảm ổn định trong khu vực và cải thiện tình hình Biển Đông nhưng nhiều bất ổn và mối đe dọa về xung đột cục bộ tại Biển Đông vẫn tồn tại. Các nước cần kiên định xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác phát triển trên biển để bảo đảm chuỗi cung ứng và đẩy nhanh việc khắc phục các hậu quả của Covid-19 cũng như tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược cho các vấn đề an ninh biển, duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Đàm Tuấn