Ngần ấy thời gian đã làm một số cuộc đời kết thúc và số may mắn còn hiện hữu trên dương gian đã bước vào tuổi bát thập. Vị tướng ấy ngồi trầm ngâm hồi tưởng về lời thề năm xưa, mắt ông rưng rưng niềm thương xót về những đồng đội đã ngã xuống nhưng phút chốc lại ánh lên niềm tự hào rạng rỡ về sự kiện Rừng Dong mà chính ông đã trở thành nguyên mẫu cho những câu chuyện kể không bao giờ có hồi kết.
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng
Những cánh tay làm nên huyền thoại
Tôi may mắn được trò chuyện cùng trung tướng Nguyễn Thới Bưng trong một không gian yên bình tại nhà riêng của ông. Tên ông đã trở thành biểu tượng anh hùng cho quê hương An Tịnh nói riêng và Tây Ninh nói chung. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến Hội thề Rừng Dong cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, ông trở thành nguyên mẫu chính cho một bộ phim lịch sử đang công chiếu về những chiến sĩ trong khu Rừng Dong năm ấy. Trong những sự kiện quan trọng của đất nước, trong vô vàn những công việc có tên và không tên dù lớn dù nhỏ của một vị tướng đã từng là ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng bộ Quốc phòng thì có ai đó hỏi ông về Hội thề Rừng Dong, ông không bao giờ từ chối.
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Thới Bưng sống trong cảnh nhà tan cửa nát. 5 tuổi, ông mồ côi mẹ, 16 tuổi thì mồ côi cha. Vốn thông minh có sẵn, Nguyễn Thới Bưng học giỏi ngay từ buổi đầu đi học. Học tiếng Pháp và học với người Pháp nên sự hiểu biết của ông về thực dân đô hộ, về những chính sách áp bức bất công dân làng quê ông đã đi vào tiềm thức. Học xong chương trình đệ nhất (tương đương với lớp 5 bây giờ), bất mãn với bọn quan chức người Tây, ông bỏ học về làm tá điền.
Phong trào đấu tranh chống chính quyền nổi lên, như một nguồn sáng soi rõ con đường tất yếu dành cho ông. Út Thới tham gia vào lớp thanh niên Tiền Phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu. Dưới trướng bọn Nhật, nhưng phong trào đã quy tụ được nhiều thanh niên, nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia. Cách mạng Tháng Tám diễn ra, nhân dân nô nức hưởng ứng nhiệt tình, ngọn lửa đấu tranh phất lên như vũ bão. Anh trai Út Thới lúc này đang giữ chức Hương Quản trong hội tề đưa cho Út Thới khẩu súng duy nhất của mình với lời dặn: "Cầm lấy đi đánh giặc rồi anh sẽ theo sau".
28 ngày đêm sục sôi trong phong trào, chính quyền khắp nơi lần lượt về tay nhân dân lao động. Cờ đỏ sao vàng, đuốc đốt sáng rực cả bầu trời tự do. Chàng trai trẻ Nguyễn Thới Bưng tay cầm súng, chân tiến lên như vũ bão trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ xóm làng. Ngày 23/9/1945, là ngày đánh dấu điểm mốc quan trọng của đời mình, ngày ông chính thức nhập ngũ cùng lớp thanh niên, trai tráng bắt đầu một cuộc đời binh nghiệp. Những ngày sau đó, liên quận Hóc Môn Bà Điểm - Đức Hòa tổ chức lực lượng tham gia Nam Bộ kháng chiến quyết tâm chặn đứng đường tiến quân của Pháp lên tỉnh lỵ Tây Ninh. Đây được mệnh danh là vành đai đỏ của quân Cách mạng. Út Thới tham gia vào chi đội 12 thuộc tổ chức liên quận do đồng chí Tô Ký làm chi đội trưởng.
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng thời trẻ
Hưởng ứng lời kêu gọi đánh Pháp của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ngày 25/9/1945, Út Thới cùng hơn 100 anh em Trảng Bàng lập phòng tuyến hàng rào ngăn chặn đợt tấn công của Pháp. Trong tay họ là tầm vông, giáo mác, gậy gộc lập tuyến phòng thủ và tấn công bất ngờ. Toàn đội chỉ có mình Út Thới có cây súng Klip 12 còn lại là lựu đạn và những vũ khí thô sơ.
Cuộc chiến không cân sức khiến quân ta phải rút sâu vào rừng. Sau khi chiếm đóng Tây Ninh, thực dân Pháp bắt đầu dựng lại bộ máy tay sai. Toàn đội chọn lấy 27 đồng chí mà đa phần là các anh em thuộc xã An Tịnh trong đó có hai phụ nữ. Số còn lại quay về địa phương trà trộn vào quần chúng nhân dân hoạt động nắm tình hình địch. 27 chiến sĩ trong khu Rừng Dong liên tục tổ chức các cuộc cướp chính quyền, giật vũ khí của giặc. Họ tuyên bố thành lập tổ vũ trang lấy tên là Hội thề Rừng Dong.
Đứng dưới cờ đỏ sao vàng, trong khu rừng bạt ngàn chạy ngút tầm mắt của xã An Tịnh, họ cắt máu ăn thề nguyện giữ trọn chí khí, quyết tâm chiến đấu đến cùng cho Tổ quốc quyết sinh. Lời thề vang xa thấu trời, các chiến sĩ Rừng Dong từ nay chính thức tuyên thệ cho cùng một quyết tâm.
Chuyện tình vị tướng Rừng Dong
Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm với cái nghèo khổ và lòng căm thù ngoại bang xâm lược. Trung tướng Nguyễn Thới Bưng nhớ lại: "Vợ tôi vốn là một người con gái rất đẹp. Đó là một vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng cho dù bị cái nghèo bao phủ. Rồi bà ấy có tình cảm với tôi, một anh lính nghèo rớt mồng tơi". Ngày đó, cô gái Nguyễn Thị Sáu ấy có rất nhiều chàng trai theo đuổi, cha bà đã phải đem trả trầu cau vài lần để dành phần cho chàng lính nghèo Nguyễn Thới Bưng. Sự đồng cảm đã đưa hai tâm hồn gần nhau hơn, cho dù Út Thới không một lời hứa hẹn, cô gái vẫn chờ.
Sau hai năm bặt tin, một ngày, Út Thới quay trở về nhà vẫn thấy cô gái ở đó, đợi chờ. Út Thới hỏi cô: "Sao vẫn ở vậy?". Cô hiền từ trả lời: "Lỡ nhớ rồi nên quyết tâm đợi". Cảm phục trước tấm lòng son sắt của cô gái, Út Thới thầm nghĩ, đây là một nửa của cuộc đời mình.
Lễ cưới được tổ chức long trọng trong khu rừng căn cứ, bạn bè xa gần tề tựu chúc mừng cho hạnh phúc gian nan của đôi vợ chồng trẻ. Trên môi đại đội trưởng 23 tuổi Nguyễn Thới Bưng nở nụ cười mãn nguyện. Sau ngày cưới, Nguyễn Thới Bưng lại hối hả lên đường hành quân hết mặt trận này đến mặt trận khác. Bà Nguyễn Thị Sáu ở lại Tây Ninh hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của hội Phụ nữ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc nhưng đã kịp có với vợ hai đứa con, một gái một trai. Ngày chia tay, ông hẹn hai năm sẽ quay trở về đoàn viên cùng vợ con. Khi ấy ông sẽ bù lấp vào khoảng trống cho người vợ đã phải chịu bao thiệt thòi, giành hết phần hy sinh về mình.
Ông chăm sóc vợ như để bù lấp sự hy sinh cao thượng của bà dành cho ông
Hai năm kéo dài thành 8 năm, ông mới có lệnh quay lại miền Nam chiến đấu. Hai đứa con lúc cha ra đi còn quá nhỏ để hiểu hết hoàn cảnh cuộc chia ly. Ngày cha trở về, đứa con gái lớn còn kịp nhận ra chạy nhào đến ôm chặt lấy cha còn đứa con trai không thể hình dung ra gương mặt cha như thế nào nên cứ rụt rè chạy đến rồi chạy đi. Ở đất Bắc, ông đã gửi cho bà một lá thư, không hiểu ông đã gieo vào lòng vợ mình niềm tin cháy bỏng như thế nào trong lá thư ấy mà bà vẫn một lòng một dạ chờ chồng và không ngừng hy vọng. Ông trở thành vị tướng tư lệnh trên chiến trường còn bà vẫn âm thầm gửi trọn trái tim chờ chồng cho đến ngày đoàn tụ.
Kể về vợ mình, trung tướng Nguyễn Thới Bưng không giấu nổi niềm tự hào, ông tâm sự rằng, trong trái tim ông, bà Sáu luôn là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời để ông trân trọng, nâng niu và dành tình yêu trọn đời. Những năm ông còn làm Thứ trưởng bộ Quốc phòng, hình ảnh bà luôn hiển diện phía sau làm đẹp thêm hình tượng vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. 85 tuổi, sức khỏe của bà suy sụp trước ông, ông lại càng dành hết yêu thương cho bà. Mỗi buổi chiều, ông đẩy xe lăn đưa bà đi dạo khắp phố xá, hưởng trọn không khí yên bình. Nhìn ông chăm sóc bà, bất giác làm cho người ta xúc động vô cùng về hình ảnh vị tướng đời thường đẹp hơn bao giờ hết.
Hoa Nguyên