Tham dự hội thi có 38 thí sinh đến từ 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên, từ Thanh Hoá trở vào, là giảng viên chuyên trách và kiêm chức đang giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện. Trong đó có 21 nam (55,3%), 17 nữ (44,7%), thí sinh cao tuổi nhất sinh năm 1954, thí sinh ít tuổi nhất sinh năm 1994.
Hội thi nhằm góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua, đưa hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày càng đi vào nền nếp, tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, thúc đẩy việc đổi mới phương thức giảng dạy và học tập.
Hội thi cũng nhằm đánh giá thực trạng giảng dạy của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho đội ngũ giáo viên hằng năm.
Mỗi giảng viên tham dự hội thi lựa chọn một bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được giảng dạy ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện do ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành, tập trung vào các chương trình: chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, chương trình bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở, các chương trình bồi dưỡng, chuyên đề, chương trình sơ cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Hình thức thi lần này tập trung vào 3 nội dung, đồng thời là 3 kỹ năng quan trọng cần có đối với người giảng viên lý luận chính trị giỏi: kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng ứng xử.
Sau Hội thi, ban Tuyên giáo Trung ương sẽ lựa chọn 6 thí sinh đạt giải nhất, nhì và ba tham dự Hội thi chung khảo toàn quốc vào tháng 11/2018.
Theo Tổ Quốc