Sau vụ ám sát tướng ngụy, nhân vật Lê Việt Bình (SN 1942) quê gốc ở xã Hương Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - một thành viên của đội quân biệt động thành (biệt động Sài Gòn) đã nằm trong “danh sách đỏ” của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù bị truy quét rất gắt gao nhưng Lê Việt Bình cùng các đồng đội vẫn tiếp tục lên kế hoạch ám sát Thủ tướng Trần Văn Hương.
Ông Bình nhớ lại: “Để thực hiện vụ ám sát đặc biệt này, tôi và các đồng chí trong đội đã mất nhiều thời gian và công sức để tự chế một loại mìn có trọng lượng 25kg với sức công phá cực lớn, bên ngoài còn được bọc đinh và sắt để tăng độ sát thương. Tôi là người được giao giữ, cũng như kích nổ khi đoàn xe hộ tống Thủ tướng ngụy chạy qua. Khi nhận trọng trách lớn, tôi luôn nhắn nhủ bản thân bằng mọi giá, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau đó, tôi đã cải trang thành nhiều nhân vật để nắm bắt được đường đi lối về của Thủ tướng Hương. Dù đã cố gắng hết mình nhưng việc tiếp cận “con mồi lớn” rất khó khăn, bởi xung quanh lực lượng an ninh và mạng lưới tình báo quá dày đặc”.
Tuy nhiên, với sự mưu mẹo và dũng cảm của mình, cuối cùng Lê Việt Bình cùng các đồng đội đã tìm được cơ hội để thi hành án tử với thủ tướng ngụy quyền.
Theo kế hoạch, vụ ám sát sẽ diễn ra trưa mùng 6 Tết Kỷ Dậu, tức là ngay sau khi vừa hết thời hạn 2 bên Nam – Bắc tạm đình chiến để ăn Tết, nhưng vì một số lý do khách quan nên mãi đến trưa mùng 8 Tết trận đánh mới diễn ra.
“Đúng như trong kế hoạch đã vạch sẵn, vào khoảng 12h30 ngày 5/3/1969, đoàn xe hộ tống chở Thủ tướng Hương từ phủ thủ tướng về nhà để nghỉ trưa và lọt vào vị trí tác chiến. Anh em chúng tôi đã được trang bị vũ khí và định hướng đường đi của thủ tướng ngụy. Khi con mồi đã vào vị trí được xác định từ trước, tôi cho xe xích lô mang theo 25kg thuốc nổ lao vào đám xe tuỳ tùng hộ giá ông Hương rồi giật nụ xòe, điểm hỏa… và nhanh chóng tẩu thoát ra sau gốc cây cổ thụ chờ mìn nổ. Bên kia đường, đồng đội của tôi ném một quả lựu đạn vào sau chiếc xe ô tô. Mặc dù bọn ngụy quân đã chuẩn bị mọi phương án dự phòng, bảo vệ rất cẩn thận nhưng sự xuất hiện của chiếc xe xích lô chở thuốc nổ đã làm chúng hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là quả mìn tự chế đã không phát nổ. Thủ tướng ngụy quyền Trần Văn Hương đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc”, ông Bình nhớ lại.
Trận đánh không thành, nhưng đã làm rung chuyển nền an ninh trật tự đô thị Sài Gòn lúc đó. Bọn tướng tá ngụy ngày đêm lo sợ vì chúng có thể bị Việt cộng tiêu diệt bất cứ lúc nào. Ngay sau vụ ám sát bất thành, Lê Việt Bình và các đồng đội của ông đã bị bắt.
“Ngay khi bị bắt, tôi và các đồng đội đã bị chúng tra tấn rất dã man. Chúng cố gắng dùng nhục hình để moi thông tin từ các cơ sở nhưng không có kết quả. Đến ngày 8/8/1969, chúng đưa tôi ra xét xử với mức án chung thân, phải đi đày cải tạo ở Côn Đảo. Tuy nhiên ra Côn Đảo, chúng tôi lại móc nối với một số anh em yêu nước tiếp tục đấu tranh vì chính nghĩa, chờ ngày thắng lợi thống nhất đất nước”, ông Bình cho biết thêm.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Lê Việt Bình được điều về công tác tại đơn vị An ninh B5 ở Lộc Ninh (Bình Phước) và được bổ nhiệm làm Chính trị viên đơn vị T1, thuộc ban An ninh T4 và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ biên giới Tổ quốc. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan an ninh, ông Bình được giữ chức Đội trưởng đội An ninh Kinh tế - Văn hóa - Tư tưởng Công an quận 6, TP.Hồ Chí Minh. Trước khi chuyển ngành sang đơn vị kinh tế, ông mang quân hàm Thiếu tá. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá rất cao.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hồi ức ấy vẫn in đậm trong tâm trí người cựu chiến sĩ biệt động Lê Việt Bình. Hôm nay, giữa cuộc sống hoà bình, kể lại quá trình đấu tranh đầy nguy hiểm, gian khó của mình và đồng đội trong lòng nội thành, thủ phủ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông vẫn mô tả được tường tận từng chi tiết nhỏ. Nhìn dáng người rất thân thiện của cựu chiến binh Bình ít ai có thể nghĩ ông đã đi qua những ký ức hào hùng đến vậy!