Thanh Hóa đón hàng vạn cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Thông tin từ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, ngày 25/9/1954, chiếc tàu đầu tiên chở cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc cập bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), toàn tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam.
Dù thời gian đã trôi qua 70 năm, nhưng khi chúng tôi nhắc tới câu chuyện "tập kết", đôi mắt của cựu binh Hoàng Bá Nghiên, trú tại phố Tế Độ, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá tươi tắn hẳn lên, khuôn mặt bừng sáng.
Ông Nghiên kể liền một mạch những cảm xúc, ký ức không bao giờ quên về thời đánh giặc xâm lược cũng như những tình cảm trên quê hương Thanh Hoá.
Quê gốc ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từ nhỏ ông Nghiên đã mồ côi mẹ, do bị giặc Pháp giết hại.
Năm 1946, ông Nghiên tham gia quân đội lên rừng trú ẩn, đánh Pháp xâm lược. Tháng 10/1954, ông cùng đồng đội là bộ đội ở Quảng Nam theo tàu thuỷ của Ba Lan chở ra Bắc và đóng quân tại Phà Ghép, huyện Tĩnh Gia (nay là cầu Ghép, Tx.Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá).
Tháng 5/1955, ông Nghiên cùng đồng đội làm nhiệm vụ chống di cư lại làng Ba Làng (huyện Tĩnh Gia, nay là Tx.Nghi Sơn) và bị thương lần thứ 4.
Vừa kể chuyện, ông Nghiên vừa kéo ống quần lên và chỉ vào vết sẹo dài ở ống chân trái và bắp đùi. Sau khi bị thương, cựu chiến binh Hoàng Bá Nghiên theo đoàn an dưỡng về đóng quân tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.
Tại mảnh đất này, ông đã nên duyên vợ chồng với bà Lê Thị Tụng, thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá). Hai ông bà có 5 người con, 3 người con gái và 2 người con trai.
Khi sức khoẻ ổn định, ông Nghiên chuyển ngành sang Ban Nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá công tác. Năm 1968, theo yêu cầu của tổ chức, ông Nghiên từ biệt vợ con, trở lại miền Nam (vào B) đánh Mỹ liên tục 8 năm (1968 - 1975), sau đó ông tiếp tục đánh Pôn pốt và làm chuyên gia 3 năm tại Campuchia.
Đến năm 1982, ông Nghiên trở về Quảng Nam công tác một thời gian rồi xin về hưu để gần gia đình, vợ con ở Thanh Hoá.
Ông Nghiên nói đã xa quê rất lâu, bố mẹ đã mất, đất đai vườn tược không còn, anh em mỗi người mỗi ngã, ai cũng có gia đình riêng. Trong khi đó, ở Hoằng Hoá ông còn có vợ con và những người thân quen, gắn bó từ lâu như ruột thịt.
Khi có dịp, ông Nghiên đều trở về quê hương Quảng Nam, thắp hương cho bố mẹ, thăm hỏi anh em, người thân. Mấy năm nay tuổi cao, sức khoẻ yếu ông không còn đi xa được nữa.
Rời nhà ông Nghiên, chúng tôi ngược lên lâm trường Phúc Do (trực thuộc Công ty cao su Thanh Hoá) đóng tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.
Nơi đây xưa kia rất đông bộ đội, con em miền Nam tập kết sinh sống, làm việc, định cư lâu dài trên vùng đất mới.
Cán bộ, con em miền Nam tập kết coi miền Bắc là quê hương thứ hai
Chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Hữu Từ (93 tuổi), quê gốc ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Ông Từ cho hay, là con út trong gia đình có 9 anh em (7 nam, 2 nữ), 3 anh trai đi bộ đội, một người hi sinh tại chiến trường, một người thương binh và một người là bệnh binh.
Ông Từ tập kết ra miền Bắc theo diện con em bộ đội, thương binh. Ông Từ không đi tàu thuỷ ra Sầm Sơn mà đi đường bộ. Ban đầu ông làm công nhân đường sắt tại Quảng Bình đến tháng 4/1956 thì ra làm ở Ty thuỷ lợi Thanh Hoá.
Sau đó ông lên công tác tại lâm trường Phúc Do, tại đây ông đã nên duyên vợ chồng với bà Đào Thị Liêm (SN 1942), một một nữ thanh niên ở xã Hà Phong, huyện Hà Trung lên lậm trường Phúc Do xây dựng kinh tế mới.
Bà Liêm kể rằng, khi ông bà quen nhau, nhiều người can ngăn, vì ông Từ ở Quảng Trị, sau này ông về quê thì lấy ai cậy trông.
Thế nhưng, tình thương yêu chân thành của ông khiến bà cảm lòng thương mến, bà Liêm bỏ ngoài tai mọi rào đến với ông Từ như định mệnh cuộc đời.
Hai ông bà sinh hạ được 5 người con, tất cả đều đã xây dựng gia đình riêng, anh con trai là Thượng tá quân đội đã nghỉ hưu, một người con gái nối nghiệp ông bà tại lâm trường Phúc Do.
Ông Từ cho biết, sau một thời gian công tác ở nông trường Phúc Do, ông được điều về Công đoàn ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá (Nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá).
Năm 1982, do yêu cầu của tổ chức, ông được điều động về làm Bí thư Đảng uỷ lâm trường Phúc Do cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ vào năm 1989.
Nhiều năm sinh sống ở lâm trường Phúc Do, ông Từ vẫn không quên những ngày đầu đặt chân lên vùng đất khó, đường sá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, thiếu ăn, thiếu mặc đủ bề. Dù vậy, người dân xung quanh vẫn rất tình cảm, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mỗi khi cán bộ, công nhân lâm trường cần.
Năm nay đã 93 tuổi nhưng ông Trần Văn Ấm (quê ở xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vẫn không hề phai mờ ký ức một thời hoa lửa.
Nhà có hai anh em trai, bố mất sớm, năm 1952, ông Ấm tham qua quân đội, được biên chế vào đơn vị "Cảm tử quân 248, Liên Khu V", làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu cho các đơn đánh Pháp.
Tháng 10/1954, ông Ấm cùng đồng đội lên tàu thuỷ từ Bà Rịa – Vũng Tàu ra Sầm Sơn (Thanh Hoá) tập kết. Tuy nhiên, thời điểm đó biển Sầm Sơn có mưa to, sóng lớn con tàu chở bộ đội tập kết không thể cập bến. Vì vậy, thuyền trưởng đã điều khiển cho tàu chạy ra cảng Hải Phòng để bộ đội được lên bờ.
Ông Ấm kể, sau khi cập cảng Hải Phòng, đơn vị của ông được lệnh di chuyển về Hưng Yên rồi tiếp tục hành quân vào Thanh Hoá, điểm cuối cùng xây dựng doanh trại tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Năm 1962, ông Ấm được điều động về Đoàn 20, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam học tập chính trị, huấn luyện quân sự, chuẩn bị trở về miền Nam đánh giặc.
Năm 1966, ông Ấm được chuyển sang làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ ở đơn vị mới là Nông trường Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá), cho đến ngày về hưu là 1984.
Ông Ấm cho hay, thời điểm ông công tác ở Nông trường 19/5 có hàng ngàn người toàn là bộ đội, con em, cán bộ miền Nam tập kết.
Tại đây, ông Ấm kết duyên với bà Xuân, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vợ chồng ông có 1 người con trai, 4 con gái.
Bao năm sinh sống ở đất Thanh Hoá, ông Ấm cũng như nhiều bộ đội, cán bộ, con em miền Nam đã nhận được nhiều tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùng bọc của người dân nơi đây.
Thời bấy giờ, cuộc sống của gia đình nào cũng đang còn khó khăn nhưng tình làng, nghĩa xóm, tình cảm đồng chí, đồng đội luôn keo sơn, mật thiết.
Tuy vậy, điều ông Ấm cảm thấy canh cánh trong lòng là do ông sinh sống xa quê nên khi anh trai mất, mẹ mất ông cũng không thể về chịu tang, vì điều kiện kinh tế khó khăn, thông tin liên lạc không thuận lợi như bây giờ.
Những năm trước, khi sức khoẻ đang còn tốt, mỗi năm ông Ấm đều tranh thủ về quê ở chơi với các cháu, hương khói cho bố mẹ.
Ông Ấm quả quyết, chủ trương của Đảng, Bác Hồ đưa bộ đội, cán bộ, học sinh miền Nam tập ra Bắc là hoàn toàn đúng đắn, Đảng đã nhìn thấy âm mưu thâm độc của Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, chúng sẽ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, gây chiến ở miền Nam.
Nếu chúng ta không chuẩn bị nguồn lực, con người thì công cuộc giải phóng miền Nam, xây dựng đất nước khó có kết quả trọn vẹn.
Ông Phan Lão (92 tuổi), quê ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nhớ lại, ông tham gia bộ đội đánh Pháp từ năm 1952 (Tiểu đoàn 71, Quân khu V). Tháng 10/1954, ông cùng đơn vị từ Bình Định lên tàu tập kết ra Sầm Sơn, Thanh Hoá.
Tuy nhiên, vì sóng to, gió lớn tàu không vào được mà phải chạy tiếp ra Hạ Long, Quảng Ninh để vào cảng, khi tàu đến Hạ Long cũng không vào được nên lại quay về Sầm Sơn.
Con tàu chở hàng trăm người rông ruổi trên biển cả tháng trời, khiến nhiều người say sóng, mệt mỏi nhưng phải động viên nhau để vượt qua.
Trải qua nhiều vị trí công tác, năm 1966, ông Lão cùng gia đình chuyển sang công tác ở Nông trường Bãi Trành cho đến ngày nghỉ hưu. Hơn 10 năm tập kết ra Bắc, gần như ông Lão bặt tin gia đình, không có bất cứ liên lạc nào với người thân.
Ở quê, để tránh tai mắt của thực dân Pháp, gia đình ông đã lập bàn thờ riêng cho ông nhưng mãi không thấy ông trở về, mọi người tưởng chừng ông đã mất thật sự, từ đó bàn thờ giả trở thành bàn thờ thật. Sau khi đất nước thống nhất, ông Lão trở về quê thăm mẹ già, lúc ấy mọi người mới vỡ oà, anh em ôm nhau khóc mãi không thôi.
Là người góp công hoàn thành nhiệm vụ đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết, ông Trần Chí Trác (87 tuổi), cựu Bí thư Đảng uỷ phường Quang Tiến, TP Sầm Sơn, cho biết, thời điểm chuẩn bị đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, ông là cán bộ Đoàn thanh niên khu xóm Nam, phường Quảng Tiến được uỷ ban phường giao nhiệm vụ vận động Đoàn viên thanh niên ra đón tiếp, đưa rước, dẫn dắt đồng bào miền Nam lên bờ. Người bị mệt, bị say sóng sẽ được các Đoàn viên dìu dắt, cõng lên lán trại nghỉ ngơi.
Ông Trác nói, để đón tiếp đồng bào miền Nam, hàng ngàn người dân ở Sầm Sơn, huyện Quảng Xương và các địa phương lân cận được huy động xuống Lạch Hới xây dựng lán trại.
Chỉ trong thời gian ngắn, hai khu lán trại (khu A và khu B), mỗi khu rộng 3000-4000 mét vuông, được hoàn thành để đón đồng bào miền Nam.
Do Lạch Hới cạn nên tàu phải đậu cách bờ 2 – 3km, địa phương phải huy động hàng chục thuyền đánh cá của ngư dân ra tàu lớn "tăng bo" đồng bào miền Nam từ tàu lớn vào bờ. Sáng sớm thì ngư dân chèo thuyền ra, đến 8 -9h mỗi thuyền 20 – 30 người vào bờ.
Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, để giáo dục truyền thống cách mạng và các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh, tháng 8/2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Khu lưu niệm được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn và được chia làm 3 phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu, bức phù điêu lớn hình cánh cung.
Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Tp.Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.