Đã 43 năm trôi qua, thế nhưng trong ký ức của người đàn ông đã ngoài 60 tuổi Lê Văn Ký như vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc khi hồi tưởng lại thời khắc hào hùng của dân tộc.
Ông Lê Văn Ký (Thanh Hóa, SN 1955) chính thức nhập ngũ vào năm 1971. Thời điểm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Ký đảm nhận chức vụ A trưởng, cấp bậc Hạ sĩ, thuộc Đại đội 22, Lữ đoàn 299, Quân đoàn 1.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Ký vẫn nhớ như in thời khắc 10h45 ngày 30/4, xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân Ngụy đầu hàng. 11h30 ngày 30/4/1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng trong sự hân hoan của toàn dân tộc.
Ông Ký chia sẻ, thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không khí nội thành Sài Gòn khác lạ vô cùng. Không một tiếng súng nổ, không có viên đạn nào bắn thẳng. Khi tin giải phóng được phát đi, cờ hoa rợp trời Sài Gòn, người dân thậm chí nhịn cả ăn đổ ra đường ăn mừng chiến thắng lịch sử.
“Kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến, thật không còn gì hạnh phúc hơn khi dân tộc ta đã thoát khỏi ách Mỹ Ngụy sau mấy chục năm bị kìm kẹp. Cả dân tộc Việt Nam “vỡ òa” trong hạnh phúc, vui sướng”, ông Ký nói trong tâm thế hồ hởi, tự hào.
Với ông Ký và những đồng đội được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc hẳn sẽ không thể nào quên được khoảnh khắc diễu hành ngay trước Dinh Độc Lập vào ngày 30/4 lịch sử.
“Hòa chung không khí ăn mừng chiến thắng, tôi cùng các đồng đội vinh dự được diễu hành ngay trước Dinh Độc Lập. Một cảm giác lâng lâng, vui sướng không thể nói nên lời khi chứng kiến niềm hân hoan, vui sướng của mọi người, cờ hoa rợp trời Sài Gòn”, ông nhớ lại.
Cũng trong thời khắc này, ông Ký và đồng đội đã trải qua một kỷ niệm không thể nào quên. Ông Ký kể lại, khi bước qua cánh cổng để vào diễu hành thì rất dễ, nhưng đến lúc diễu hành xong muốn quay ra thì mắc kẹt giữa “rừng” người, càng lúc dân kéo tới càng đông, không tài nào len ra ngoài được. Thậm chí, phải huy động xe tăng, xe bọc thép mở cửa cho bộ đội ra ngoài. Có lẽ, phải những ai ở thời điểm đó mới cảm nhận được hết không khí hào hùng của dân tộc sục sôi tới độ nào.
Cách đây 6-7 năm, ông Lê Văn Ký cùng một số đồng đội đã có dịp hội ngộ tại chiến trường xưa. Dẫu cho Sài Gòn, Dinh Độc Lập có thay đổi theo thời gian, nhưng ông Ký vẫn còn vẹn nguyên những ký ức hào hùng năm xưa trong lần trở lại này.
Ông nói đầy xúc động: “Trở lại Dinh Độc Lập sau mấy chục năm, tôi vẫn ngỡ như mới đâu đây thôi. Thời điểm 30/4/1975, tôi có mặt trong đoàn diễu hành lướt qua trước Dinh Độc Lập nhưng không được vào bên trong dinh. Lần này, quay trở lại, tôi mới có dịp được khám phá hết những dấu tích bên trong, quá hoành tráng và lộng lẫy”.
Trải qua quãng thời gian là chiến sĩ, vui có, buồn có, gian khổ ác liệt trong bom đạn có... Bởi thế, cứ mỗi độ tháng Tư về, đặc biệt vào ngày 30/4 hàng năm là lòng ông Ký lại ngập tràn nhiều cảm xúc. Với ông Ký, dù 43 năm hay hàng trăm năm sau nữa thì trong tâm trí của ông và các đồng đội cũng không thể nào quên được thời khắc đầy hào hùng đó.
“Đó là thời khắc cả đồng đội, toàn nhân dân hòa chung trong niềm hân hoan chiến thắng lịch sử. Tất cả đều như mơ vậy”, ông Ký nói trong niềm vui sướng.