Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở số 27 Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dù đi lại khó khăn nhưng người Đội trưởng Công an lão thành ấy kể về Bác Hồ, về Việt Minh, về cách mạng một cách rành mạch, chi tiết đến không ngờ. Thả trôi theo dòng cảm xúc, ông Đốc chầm chậm hồi tưởng về quá khứ, những kỷ niệm về một thời oanh liệt, về khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên trong cuộc đời mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, sau một thời gian ngắn học nghề ở trường Kỹ nghệ Hà Nội, chàng thanh niên Phạm Gia Đốc xin vào làm công nhân tại nhà máy Điện Yên Phụ. Năm 1943, tổ chức Việt minh đầu tiên của nhà máy Điện Yên Phụ được thành lập, thì một năm sau đó ông được chính thức kết nạp vào tổ chức. “Nhiệm vụ của chúng tôi thời điểm đó là vận động nhân dân tham gia cách mạng, giữ gìn trật tự trên toàn địa bàn thành phố, nắm bắt tình hình địch, diệt trừ Việt gian”, ông Đốc tâm sự.
Cách mạng tháng Tám thành công, sở Công an Bắc bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng mới. Ông Phạm Gia Đốc được vinh dự đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an của đơn vị. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông Đốc và các chiến sĩ ở sở Công an Bắc Bộ là tham gia bảo vệ lễ đài vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Cho đến tận bây giờ, với ông Đốc đó vẫn là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và đáng tự hào nhất.
Trên bốn bức tường trong căn nhà nhỏ, ông Đốc treo những bức ảnh chụp tại Vườn hoa Ba Đình ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Nổi bật hơn cả là bức ảnh lịch sử do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Khoản bấm máy vào thời điểm Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập hào hùng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Trong ảnh, chàng thanh niên Phạm Gia Đốc mới ngoài đôi mươi mặc đồng phục trắng, đứng nghiêm trang trước lễ đài, trước hàng vạn người dân vào khoảnh khắc thiêng liêng, lắng nghe hồn sông núi trong lời Bác. Đó là một bức ảnh, một kỷ vật vô giá, nhắc nhở ông và các thành viên trong gia đình luôn nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Đốc cho hay, vào ngày 26/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp để bàn những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Nhiều nội dung được bàn, trong đó, nhiệm vụ bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mít tinh được giao cho sở Công an Bắc Bộ cùng với quân đội và Tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu.
“Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ mới cần bảo đảm bí mật nên tôi và đồng đội chỉ được thông báo nhiệm vụ trước hôm diễn ra sự kiện đúng ba ngày. Đích thân Giám đốc sở Công an Bắc Bộ đứng ra tuyển chọn người tham gia bảo vệ lễ đài. Ngoài những tiêu chí cốt lõi về lý lịch, bản lĩnh cách mạng... thì người được chọn phải có thể hình, thể lực tốt để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Hai ngày trước khi diễn ra lễ mít tinh chúng tôi được đưa đến xem xét địa bàn mình bảo vệ thì mới rõ nhiệm vụ cụ thể của từng người trong khu vực Vườn hoa Ba Đình”, ông Đốc cho biết.
Từ lúc nhận nhiệm vụ, ông Đốc và các chiến sĩ trong tổ bảo vệ lễ đài được lệnh “cắm trại”, ăn ở luôn tại Sở cho đến khi thực hiện nhiệm vụ. “Việc ngủ lại đơn vị thực ra không có gì lạ hay mới mẻ nhưng đối với tôi, hai đêm trước hôm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lễ đài là những đêm hết sức đặc biệt. Lúc nào tôi cũng trong trạng thái lâng lâng, vừa tự hào, sung sướng, vừa lo lắng, hồi hộp. Nhiệm vụ được tổ chức giao lần này là làm sao bảo vệ lễ đài được an toàn khác hẳn với những lần trước đi giành chính quyền.Bấy giờ Quảng trường Ba Đình là một bãi đất rộng, có thể chứa tới hàng chục vạn người, phía bên phải là dinh Toàn quyền do Pháp xây dựng. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng”, ông Đốc cho biết.
Hồi hộp mong đợi, ngày đặc biệt cũng đến. Buổi lễ mít tinh diễn ra từ lúc 14h ngày 2/9/1945 nhưng ông Đốc cùng mọi người trong tổ bảo vệ lễ đài của sở Công an Bắc Bộ có mặt từ buổi sáng để chuẩn bị. Họ mặc đồng phục trắng, đứng cách khu vực lễ đài chỉ vài mét. “Hôm đó, lễ đài được bảo vệ thành ba lớp. Lớp bảo vệ gần lễ đài nhất là của những chiến sĩ Giải phóng quân ở chiến khu mới về, họ mặc quần soóc đứng ngay sát lễ đài. Chúng tôi đứng ở vòng thứ hai, cách lễ đài khoảng 2m, còn vòng ngoài cùng là lực lượng của mặt trận Việt minh. Khoảng 14h, Bác Hồ cùng với các thành viên Chính phủ đi xe từ Bắc Bộ phủ đến quảng trường”, ông Đốc nói.
Được quán triệt từ trước, trong suốt hơn ba tiếng diễn ra buổi lễ, ông Đốc cùng tất cả mọi thành viên tham gia bảo vệ lễ đài của cả ba lớp đều đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía trước và không được phép rời tầm nhìn khỏi đám đông trước mặt và bảo vệ các vị trí bảo vệ xung yếu. Ông Đốc nhớ lại thời khắc lịch sử, Bác Hồ đứng ngay trên lễ đài, cách ông đứng chỉ vài bước chân nhưng ông không dám quay lại nhìn.
“Lúc ấy, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản với trách nhiệm người bảo vệ đứng trước lễ đài, khá căng thẳng, tai thì nghe tiếng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập qua hệ thống loa phóng thanh trên quảng trường, nhưng con mắt thì phải chăm chú theo dõi mọi động thái diễn biến của biển người trước mặt. Khi nghe giọng Bác, tôi chỉ ước được quay lại để nhìn Bác dù chỉ một lần nhưng kỷ luật tổ chức, nhiệm vụ giao đã quán triệt không được phép lơ là. Vì thế, chỉ cần nghe giọng Bác cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận được giọng nói của Bác lúc ấy”, ông Đốc tâm sự.
Những câu đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên, trong lòng ông Đốc bỗng trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả. Vừa chan chứa yêu thương, vừa thấm đẫm tự hào, vừa tràn đầy nhiệt huyết... “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", cả biển người trào lên: “Có! Có!”. Đó là cảm xúc của những người dân, của một đất nước vừa giành được nền độc lập sau gần một thế kỷ bị thực dân đô hộ. Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi rất vui mừng, sung sướng khi đất nước thoát khỏi ách nô lệ, đất nước giành được độc lập, nhưng là nhiệm vụ quan trọng được quán triệt từ trước nên anh em chúng tôi không ai được biểu lộ cảm xúc như hàng vạn người dân có mặt ở Vườn hoa”.
Buổi lễ kết thúc tốt đẹp, đêm đó ông Đốc cùng đồng đội đã trải qua một giấc ngủ mà theo ông là “ngon nhất trong đời mình”, giấc ngủ trọn vẹn, an bình của một công dân nước Việt Nam độc lập. Từ ngày độc lập đó đến nay, những người may mắn còn sống trong những trận chiến đấu ác liệt năm nào tuổi đã cao, có những người đã không còn được minh mẫn. “Tất cả những người bạn cũ, những đồng đội cùng chiến đấu với tôi đều đã về với tổ tiên. Trước đây, chúng tôi hay hẹn nhau ra bờ hồ ngồi hàn huyên chuyện ngày xưa, nhưng từ khi đồng đội cứ lần lượt ra đi, tôi cũng chẳng còn ra đó ngồi đợi nữa vì... bây giờ chỉ còn lại mình tôi”, ông Đốc nghẹn ngào khi nhắc đến những người bạn cũ.
Tâm sự với chúng tôi, ông cho hay, mình luôn trăn trở làm sao để nhớ mà liệt kê được danh sách những anh em của mình đã hy sinh, ở đâu, trong trận chiến nào? Nhiều khi ông gặp khó khăn trong việc tìm ra tên thật chứ không phải bí danh của những người làm cách mạng. Với một niềm mong mỏi, ông muốn đồng đội của mình hy sinh trong danh dự, được người đời về sau biết đến cũng là để an ủi gia đình những người vì nước quên thân.