Người thì tỏ ra bất ngờ hỏi: Giáo sư Cù Trọng Xoay đâu mà lại là Học sĩ Chấm, người thì ngơ ngác: Học sĩ râu dài hơn, trán hói hơn nhưng trả lời chẳng xoáy lắm, người lại e dè: Học sĩ gì mà nhìn gấu thế ... Để giải đáp những thắc mắc trên của độc giả, PV báo Nguoiduatin.vn tìm gặp Học sĩ Xoày Trọng Chấm để có buổi trao đổi "thẳng... xoáy".
Nghệ sĩ Phạm Dũng và nghệ sĩ Xuân Bắc trong một chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay".
Số đầu muốn đạt phải diễn... thật nhạt
Được biết ngoài đời Học sĩ hiện đang là một giảng viên của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, một nhà sưu tập đồ cổ có tiếng, một võ sư, một nhà nghiên cứu văn hóa... Cơ duyên nào lại đưa ông "dan díu" thêm với cái chân Học sĩ Xoày Trọng Chấm trên truyền hình vậy?
Người ta bảo "già rồi vẫn còn duyên" là vậy đấy. Ở đây vừa là cái duyên được tham gia chương trình vừa là cái duyên trong công việc diễn xuất. "Còn duyên" thì người ta mới mời mình. Cũng chỉ mới Tết vừa rồi thôi, khi tôi ra Hà Nội ăn Tết thì nhận được cú điện thoại từ VTV mời tôi tham gia chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay".
Bình thường tôi cũng hay xem chương trình đó và rất thích cái duyên ngầm của Giáo sư Xoay cũng như sự dí dỏm của Tiến sĩ Trần Xoáy, thế nên lúc đó tôi mới hỏi: "Cái cậu Đinh Tiến Dũng đó đang làm rất tốt mà sao lại nghỉ? ". Anh ấy trả lời: "Giáo sư Xoay bận đi công tác không tham gia tiếp được", thế là tôi nhận lời.
Trước đây tôi cũng đã từng đảm trách vai "ông bố khó tính" trong "Trò chơi điện ảnh" trên VTV3. Có lẽ vai diễn đó đã để lại ấn tượng nào đó với anh Hải (ĐD Đỗ Thanh Hải) và một số người trong ekip nên sau khi Giáo sư Xoay bận đi công tác lâu ngày, mọi người đã thống nhất mời tôi tham gia.
Nói ra điều này không biết học sĩ có buồn không nhưng đúng là xem số đầu tiên học sĩ kết hợp với Tiến sĩ Xoáy chính tôi cũng cảm thấy nhàn nhạt?
À! Cái này là tội vạ của... ông đạo diễn chứ không phải của riêng tôi (cười). Đâu phải mình anh thấy nhạt, ngay đến tôi diễn mà còn thấy nhạt cơ mà. Mà không nhạt là không... đạt nhá. Nhạt thế là tốt rồi, vì thực ra thì đây là thủ pháp của đạo diễn, là ý đồ kịch bản. Tôi được chỉ thị là 3 số đầu không được diễn gì nhiều cứ ngồi đó cho ông Trần Xoáy lấn sân.
Khi làm một chương trình truyền hình dài hơi, những người chịu trách nhiệm sản xuất đều đã tính cả rồi. Cái sự nhàn nhạt số vừa rồi cũng là để hướng tới mục đích làm bước đệm cho những thay đổi trong những số tới đây. Làm sao cho chương trình ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn.
Vai nào cũng đều là... Dũng “râu”
Dù sao thì Giáo sư Xoay cũng đã để lại một ấn tượng khá tốt trong lòng người xem. Thế nhưng, dường như đây lại là một bất lợi cho người "kế nhiệm" trong việc làm quen và tạo hình tượng mới để gây được cảm tình với khán giả. Sẽ không thể tránh khỏi những sự so sánh giữa Học sĩ và Giáo sư Xoay. Vậy Học sĩ đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Từ trước khi tham gia chương trình này, tôi đã xem và cảm thấy rất yêu vai diễn của Đinh Tiến Dũng. Tôi phải công nhận là Giáo sư Xoay rất có duyên. Tuy nhiên tôi tham gia vào chương trình với tâm lý như là tham gia vào một trò chơi, không tính toán thiệt hơn, không so sánh này nọ. Trong cuộc chơi này tôi sẽ cống hiến hết mình để cho khán giả có những giây phút giải trí thoải mái. Đây là chương trình mang lại tiếng cười cho toàn thể khán giả xem truyền hình chứ tôi không làm cho cá nhân mình để rồi phải lo lắng, sợ mất hoặc sợ thua.
Nhiều người thắc mắc hỏi ai là người viết kịch bản chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay" mà tài thế, xoáy thế. Học sĩ có thể tiết lộ danh tính của nhân vật này không?
Thực ra kịch bản không phải là do một người viết, mà có hẳn một ekip cùng nhau lên ý tưởng rồi cùng nhau triển khai: Tôi, anh Hải, Xuân Bắc, tổ đạo diễn, tổ thư ký đều có thể tham gia viết kịch bản. Rồi khi quay mình nhập vai vào nhân vật sẽ nảy sinh thêm nhiều ý tưởng nữa. Thực ra tôi thích "chơi" kiểu không kịch bản hơn. Điều này gây hứng thú sáng tạo cho người tham gia. Nó đòi hỏi nhân vật phải có kiến thức tổng hợp, có tài ứng biến và cái duyên với vai của mình.
Trước đây anh thường vào vai những tay côn đồ, anh chị, nay lại vào vai một Học sĩ đáng kính, cả hai vai anh đều diễn rất ngọt. Vậy theo anh giữa một "tay côn đồ" và một "Học sĩ" có điểm gì chung?
Tôi đã từng vào vai gián điệp, vai xã hội đen, họa sĩ, rồi Học sĩ. Tổng kết lại thì có thể thấy ngay điểm chung của những tay côn đồ xã hội đen và Học sĩ đáng kính đều là: Dũng “râu” cả.
Trước khi vào vai bất cứ nhân vật nào tôi đều phải nghiên cứu rất kỹ tính cách, đặc điểm xã hội đặc trưng của nhân vận đó. Tuy nhiên với vai ông bố khó tính trước đây và bây giờ là Học sĩ Xoày Trọng Chấm. Vai này đòi hỏi cần phải có khả năng ứng khẩu, ứng diễn tốt. Khi đó vốn nghiên cứu văn hóa, kinh nghiệm trong nghề sẽ là một lợi thế rất lớn để mình vận dụng vào.
Dù có tiếc thì lòng vẫn muốn... cho thêm "Những món đồ tôi mang cho là những thứ phải mất rất nhiều công sức tiền bạc mới có được. Bình thường những món đồ đó dùng để thỏa mãn cái thú chơi, cái tình yêu mang màu sắc cá nhân của mình. Thế nhưng khi những món đồ đó được ra với cộng đồng để chúng ta cùng nhau gìn giữ bảo tồn, cùng nhau chiêm ngưỡng thì nó sẽ cất lên tiếng nói của di sản. Đó cũng là cách để quảng bá những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể không những của các dân tộc Việt Nam mà cả các dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Đến lúc đó dù có tiếc thì trong lòng vẫn còn muốn... cho thêm ấy chứ ". (Nghệ sĩ Phạm Dũng). |
Sẽ ra một cuốn sách nghiên cứu gốm cổ
Với lịch công việc dày đặc như thế Học sĩ lấy đâu thời gian mà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật?
Bận thì bận thật đấy nhưng nghiên cứu thì vẫn phải nghiên cứu. Dù thời gian có chen kín như... râu trên mặt thì vẫn phải làm. Mình đã nhận việc gì là phải có trách nhiệm và sự nghiêm túc với công việc đó. Trong năm nay tôi còn dự định sẽ ra một cuốn sách về gốm cổ nữa.
Ngoài đời, Học sĩ được nhiều người trong giới chơi đồ cổ biết đến như một tay chơi có máu mặt. Thế nhưng cũng nhiều người biết đến Học sĩ qua những lần ông trao tặng cổ vật quý hiếm cho các bảo tàng, tổ chức xã hội... Liệu Học sĩ có thấy tiếc mỗi lần cho đi như thế không? Tại sao trong khi người ta tìm đỏ mắt chả được anh lại vác đi cho?
Tôi chơi đồ cổ bằng cái tâm của mình, cho nên việc cho đi cũng là những điều "thuận tâm" thôi. Hiện nay tôi đã vác khoảng hơn 750 món trong bộ sưu tập của mình mang đi cho rồi. Cho Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Viện Văn hóa dân gian, cách đây hơn một tháng tôi cũng cho ĐH Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM một chiếc trống đồng và bát đựng tiền cổ có niên đại khoảng thế kỷ III TCN.
Từ sau khi vào vai Học sĩ Xoày Trọng Chấm thì lúc vào lớp để giảng bài Học sĩ có bị cảnh sinh viên không lo học bài mà cứ nhìn thầy rồi "tủm tỉm" cười?
Với tôi công việc nào ra công việc đó: Võ thì phải chuyên tâm, đồ cổ phải hết mình say mê, giảng dạy nghiên cứu thì phải nghiêm cẩn. Lên tivi cười nói thế thôi chứ vào lớp, sinh viên của tôi là cứ nghiêm một phép. Muốn cười, muốn tủm tỉm thì chờ... đến cuối tuần xem "Hỏi xoáy đáp xoay" nhé.
Rất cảm ơn Học sĩ về buổi "hỏi đáp" thú vị này. Hẹn gặp ông vào cuối tuần.
Một người có rất nhiều nhà, nhiều nghề Học sĩ Xoày Trọng Chấm tên thật là Phạm Dũng sinh 4/3/1959 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh, khoa diễn viên, sau đó ông học tiếp khóa đầu tiên (1982-1987) của lớp Đạo diễn Trường Đại học SKĐA, rồi Cao học Văn hóa dân gian. Hiện ông là tiến sĩ Văn hóa dân gian - phó trưởng khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Không chỉ là diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, ông còn là võ sư, thầy giáo, nhà nghiên cứu gốm cổ, nhà sưu tầm đồ cổ và là một trong những người khởi xướng thành lập Hội Cổ vật Thăng Long. |
Phạm Khoa (thực hiện)