Theo chương trình dự kiến, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về các các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Trước đó, ngày 4/11, sau khi nghe các báo cáo công tác ngành tư pháp năm 2019, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, tranh luận về nhiều vấn đề.
Trong đó, vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm là tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy lại càng nhức nhối, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”...
Bên cạnh đó, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm còn một số tồn tại, có tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân
Chiều nay 5/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình sẽ trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Được biết, đây là lần đầu tiên hoạt động thư viện được ghi nhận thành một đạo luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Dự thảo Luật Thư viện gồm 7 chương, 51 điều quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ của thư viện, người sử dụng thư viện cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Dự kiến, dự án Luật Thư viện sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều 21/11.
Hoa Liên - Công Luân