Công khai giá 60.000 loại thuốc và tất cả trang thiết bị, dịch vụ y tế
Thông tin nói trên được GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng bộ Y tế - công bố trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/11.
Trước đó, hôm 9/9, bộ Y tế chính thức cho ra mắt cổng Thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Phát biểu tại lễ ra mắt, GS.TS Nguyễn Thanh Long – thời điểm đó là quyền Bộ trưởng bộ Y tế - nhận định: "Công khai, minh bạch là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Đây là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường, từng bước công khai, minh bạch về giá thiết bị y tế".
Theo đó, Cổng thông tin này sẽ công bố thông tin từ các hãng cung ứng thiết bị y tế, bao gồm cả chi phí vận chuyển, bảo hành, chi phí bảo trì, tính năng kỹ thuật, cấu hình, giá linh kiện thay thế chính hãng...
Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm và cấp tài khoản để doanh nghiệp tự công khai giá, cập nhật giá trang thiết bị y tế mà hãng cung cấp. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể tra cứu và nắm được giá thiết bị, có thể coi là mức giá "trần".
Việc công khai giá thuốc, trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế nói trên nhằm chấp hành chủ trương của Chính phủ và bộ Y tế, bộ Tài chính tại các văn bản pháp quy: Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”; Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 01/10/2020 của bộ Y tế “Về việc tăng cường công tác đấu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế”; Thông tư số 64/2020/TT-BTC ngày 08/07/2020 của bộ Tài chính “Quy định mức thu, nộp phí trong lĩnh vực y tế”; Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/07/2020 của bộ Y tế “Quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập”...
Cũng tại cuộc họp ngày 17/11, theo Bộ trưởng bộ Y tế, công tác chuyển đổi số được Bộ này thực hiện rất quyết liệt. Trước đó, trong năm 2000, ngành Y tế đã triển khai dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, đã có 1.500 điểm cầu được kết nối, một số nước hiện đã xin kết nối với Việt Nam để cùng khám chữa bệnh.
Thời gian tới, bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sắp tới, 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng.
Từ năm 2021, ngành này sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân trực tuyến, thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.
Tuyên chiến với nạn trục lợi trên lưng bệnh nhân
Gần đây, dư luận nóng lên vì một số vụ nâng khống thiết bị y tế dẫn đến việc người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao, chi phí xét nghiệm... cao hơn nhiều lần so với thực tế. Trước đó, tình trạng “tù mù” giá thuốc cũng khiến bệnh nhân bị “thập diện mai phục” các loại giá cả mỗi khi ốm đau phải đi khám bệnh và mua thuốc.
Gần đây nhất là vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) khiến 3 cựu lãnh đạo bệnh viện này vướng vòng lao lý.
Diễn biến mới nhất của vụ việc, ngày 25/9, cơ quan CSĐT bộ Công an (C03) đã quyết định khởi tố bổ sung vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Quốc Anh (61 tuổi, quê Nam Định) - nguyên Giám đốc BV Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền (60 tuổi, quê Nam Định) - nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai và Trịnh Thị Thuận (46 tuổi, quê Thanh Hóa) - Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Bạch Mai.
Theo tài liệu điều tra, ông Nguyễn Quốc Anh đã trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ robot giữa BV Bạch Mai và công ty CP Công nghệ y tế BMS với tổng giá trị 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được công ty BMS nhập khẩu chỉ với giá gần 7,6 tỷ đồng; cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỷ đồng, như vậy là gấp gần 4 lần giá trị thực.
Hậu quả là, một ca phẫu thuật theo thiết bị này lẽ ra người bệnh chỉ phải chi trả 4 triệu đồng tiền thiết bị thì đã bị đội giá lên 23 triệu đồng. Đại diện bộ Công an cho biết, từ năm 2017 - 2019, BV Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, với số tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhiều tỉnh thành đã mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 giá cao và một trong những căn nguyên là tình trạng "tù mù" giá thiết bị y tế, nổi bật là vụ việc xảy ra tại trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thuộc sở Y tế TP. Hà Nội.
Tháng 9/2020, cơ quan điều tra kết luận ông Nguyễn Nhật Cảm – cựu Giám đốc CDC Hà Nội - cùng 9 bị can khác đã "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong quá trình sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 đầu năm 2020.
Cụ thể, đầu năm 2020, trước nhu cầu cần máy xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động bằng hình thức chỉ định thầu thông qua các đơn vị công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và một số đơn vị liên quan.
Giá của hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR khi nhập về Việt Nam khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị can ở CDC Hà Nội cùng với các bị can ở các công ty đã cấu kết nâng khống giá vật tư cao gấp 3 lần.
Minh Minh