Khi những cơn mưa rào đổ ập xuống thành phố ngày càng nhiều hơn, khi những tiếng ve đã râm ran trên đường Trần Phú, khi những cánh phượng hồng đã đỏ rực, nàng ngỡ ngàng nhận ra hạ đã về từ bao giờ. Hạ về, nàng luôn mang trong mình cơn thèm khát phải làm cái gì đó khác biệt, diện những bộ cánh mới lạ mang cảm giác thoải mái, phóng khoáng, năng động như chính cái mùa hè rực lửa này.
Ngay cả đến đồ uống, nàng cũng thay đổi. Không còn là những ly cà phê nghi ngút khói mà nàng thèm cảm giác mát lạnh, có thể là ly sinh tố dưa hấu hay ly mojito bạc hà thanh mát. Cái vị thanh mát của sinh tố và mojito bạc hà chợt khiến nàng nảy sinh ý tưởng. Tại sao nàng không quay trở lại mặc những chiếc áo sơ mi?
Ừ thì những chiếc chân váy bút chì của mùa hè năm ngoái từng là “hot trend” nhưng sao nàng cảm thấy nó vướng víu. Nàng không muốn xỏ vào chiếc váy khiến mỗi bước đi của nàng phải yểu điệu, không được chạy nhảy mà trong khi đó nàng đang có cảm giác muốn trẻ trung như thời còn là sinh viên, hồn nhiên bay nhảy.
Nàng cũng không thích mấy chiếc quần ống rộng mà hè năm ngoái từ làm mưa làm gió, khiến các chị em chết mê chết mệt. Năm nay, nàng nhìn nó mà chỉ nghĩ làm sao tống chúng ra khỏi tủ đồ của nàng. Nàng thèm muốn cảm giác mặc một chiếc áo sơ mi rộng, thoải mái dưới nắng hè. Nàng hiểu ra rằng nàng nhất định phải có chiếc áo sơ mi kẻ xanh mát dịu hay màu hồng nhạt, gam màu tối thượng của mùa hè này bằng mọi giá.
Nàng tự vẽ trong đầu nàng, nàng sẽ mặc chiếc áo sơ mi kẻ đó cùng với chiếc quần jean. Nàng thấy mình thật năng động, trẻ trung. Nàng sẽ đi một đôi giày thể thao trắng cùng với chiếc túi đeo chéo vai. Nàng cũng không phải lo lắng tay nàng bị đen đi như mặc những chiếc váy. Bởi khi ra nắng, nàng có thể thả ống tay áo xuống, dù không bảo vệ được một cách tuyệt đối thì cũng bớt được nắng hè đốt cháy làn da của nàng.
À, nói về áo sơ mi, nàng mới nhớ. Trước đây, đàn bà, con gái như nàng đâu được mặc áo sơ mi, sơ mi là dành cho đàn ông. Sơ mi xuất hiện trên thế giới từ lâu có thể tính bắt đầu từ trước thời kì Trung cổ. Sơ mi tồn tại như một phần của trang phục hàng ngày, tuy nhiên trong thời kì này người ta chỉ mặc sơ mi như một thứ nội y dành cho nam giới. Thuở đầu, áo sơ mi không có cổ và cũng chẳng có khuy áo. Phía thân trên của áo thường được thiết kế theo kiểu khoét cổ và có các đường dây để buộc lại. Người ta mặc áo sơ mi bằng cách chui qua đầu như việc mặc áo phông ngày nay.
Đến thời kì Trung cổ, chiếc áo sơ mi đã có thêm một chiếc cổ áo có thể tháo rời (thường là dạng bèo nhún). Thời kì này chất liệu để may áo sơ mi thường là vải lanh hoặc lụa.
Thế kỷ thứ 18, áo sơ mi đã được sử dụng như một trang phục mặc ngoài, chiếc cổ áo được thiết kế gắn liền với thân áo và được trang trí bằng cách thêu thêm ren hoặc thêu hoa. Sau đó, chiếc cổ áo cũng được thiết kế nhỏ hơn một lần nữa.
Trong suốt một thời kì dài, áo sơ mi không được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy. Những chiếc áo sơ mi phù hợp với nam giới thường được đặt tại các thợ may riêng hoặc là do người phụ nữ trong gia đình may.
Khoảng đầu thế kỉ 19, áo sơ mi được thiết kế tương đối đơn giản, nhưng đến giữa thế kỷ thứ 19, áo sơ mi đã bắt đầu được thiết kế theo hình dáng cơ thể, chiếc cổ áo cố định đã dần biến mất, đặc biệt người ta đã chú ý thiết kế ra những chiếc sơ mi với nhiều màu sắc khác nhau dành cho những hoạt động khác nhau như khi chơi thể thao hay khi lao động. Cho đến giữa thế kỷ thứ 19, áo sơ mi trắng vẫn được coi như một biểu trưng của sự thịnh vượng.
Sau thế chiến thứ nhất, chiếc áo sơ mi đã trải qua một biến đổi lớn. Tại thời điểm đó, chiếc áo sơ mi hiện đại với những chiếc cúc dọc thân áo đã được ra đời và phổ biến cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù những chiếc khuy áo đã ra đời và được đăng ký bởi Brown, Davies & Co vào năm 1871.
Trong những năm 1930, chiếc cổ áo sơ mi cố định đã được hồi sinh và tồn tại cho đến tận ngày nay. 20 năm sau, áo sơ mi từ chất liệu nilon được giới thiệu và trong cùng khoảng thời gian đó áo sơ mi cộc tay ra đời như một sự đột phá về thời trang. Những năm 1960, chiếc túi áo ngực được giới thiệu và trở nên phổ biến hơn.
Ngày nay, áo sơ mi không còn là đặc quyền thời trang dành riêng cho nam giới. Những biến thể trong thiết kế và phong cách là vô tận. Chiếc cổ áo cũng có nhiều thay đổi với những đường cắt và kích thước khác nhau tùy thuộc vào các xu hướng thời trang khác nhau. Các loại vải cũng đa dạng hơn.
Đó là với thế giới, còn ở Việt Nam thì sao?
Trước 1945, trang phục của người Việt mang đậm dấu ấn phong kiến và được phân biệt theo tầng lớp xã hội. Nếu trang phục của vua chúa, quan lại chịu ảnh hưởng của triều đình phong kiến Trung Quốc thì quần áo của thường dân lại rất đa dạng như áo nâu sòng, quần lụa đen, áo tứ thân, áo yếm, áo dài, vấn khăn mỏ quạ, đội nón quai thao…
Trong thời kỳ Pháp thuộc, trang phục bắt đầu có sự giao thoa với thời trang phương Tây thông qua những chiếc váy xòe, đầm cách tân được phụ nữ quý tộc ưa chuộng.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục có nhiều thay đổi do sự Âu hóa nhanh chóng tại khu vực thành thị. Ở miền Bắc, phổ biến nhất là loại áo kaki bốn túi thường được mặc bởi các cán bộ, viên chức, trí thức.
Ở miền Nam, ngoài áo bà ba, nhiều người bắt đầu mặc áo sơmi. Riêng tầng lớp trí thức Sài thành ăn mặc hoàn toàn giống phương Tây: đàn ông mặc áo sơmi kết hợp với vest không tay, quần Âu vải, đi giày Tây da bóng, phụ nữ mặc váy hoặc áo dài cách tân. Còn ở miền Tây, áo sơ mi trắng, quần Âu có dây đeo qua vai và mũ beret là trang phục điển hình của các công tử nhà giàu.
Sau năm 1975, đa số đàn ông thời kỳ này đều mặc quần Tây, áo sơ mi ôm, ve áo và măng sét to bản. Các loại áo thun, áo ba lỗ cũng bắt đầu trở nên phổ biến và phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, họa tiết… Trong khi đó, trang phục của phụ nữ vẫn giữ được yếu tố truyền thống và gắn liền với đặc điểm vùng miền.
Phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc áo cánh nâu cổ tròn hoặc cổ tim, quần đen bằng vải lụa bóng, đầu vấn khăn vuông. Những người phụ nữ hoạt động cách mạng và làm cán bộ lại mặc áo sơmi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, chất liệu kaki và thường có màu xanh, xám hoặc be hồng. Ở miền Nam, trang phục phổ biến vẫn là áo sơ mi, áo thun và các loại váy đối với tiểu thương, trí thức; áo bà ba đối với nông dân.
Nàng cứ tính từ mốc 1945 thì áo sơ mi xuất hiện ở Việt Nam cũng được 73 năm. 73 năm, chắc chắn sơ mi đã trải qua những kiểu dáng, biến thể khác nhau để phù hợp với người Việt.
Nhưng thôi, nàng cũng không muốn kể lể chúng ta đã trải qua những kiểu áo sơ mi như thế nào. Mùa hè rực rỡ đã đến, hãy thả lỏng và tự thưởng cho mình một điều gì đó mới mẻ! Nếu chưa có ý tưởng gì thì hãy nhớ rằng, hè này hãy thử diện chiếc áo sơ mi nhé.
Phong Linh