Hôm qua thành phố Pleiku nơi tôi đương sống mưa từ 12 giờ đêm, tới... 6 giờ sáng thì tạnh. Nhiều người thở phào, giời thương thầy trò Pleiku.
Sau xem tin tức từ các báo thì thấy, hầu như trên cả nước, thời tiết rất tốt cho khai giảng, dù cơn bão Haikui vẫn đang lởn vởn ngoài khơi.
Hôm kia, báo Tuổi Trẻ đăng một bài báo làm rất nhiều người xúc động, đấy là bài tường thuật lễ khai giảng ở điểm trường nóc Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tôi đã lên huyện này, đã leo một ngàn tám trăm bảy mươi mét để lên Nóc (thôn) Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, nhưng hình như những gì tôi chứng kiến chưa thấm gì với nơi này.
12 điểm trường của xã Trà Dơn với hơn 500 học sinh, nhưng các thầy cô chọn điểm trường nóc Ông Bình này để khai giảng, chắc là do nó trung tâm nhất. Lần đầu tiên một thầy giáo người Ca Dong có bộ sơ mi thắt cà vạt đi giày da do các bạn hảo tâm tặng ngay trước ngày khai giảng. Lễ khai giảng này là do một nhóm bạn trẻ hảo tâm từ Đà Nẵng mang lên, những là trống, phông màn, băng rôn, hoa, khẩu hiệu... rất nhiều bánh kẹo... Thầy hiệu trưởng trường này nói, các năm trước khai giảng chỉ làm gọn nhẹ, thầy cô giáo mang... xoong nồi ra gõ thay trống trường cho các em vui. Lần đầu tiên, không cứ học trò, mà rất nhiều phụ huynh ở đây mới biết thế nào là... tiếng trống.
Càng xúc động hơn khi thầy Hiệu trưởng, thay vì đọc những bài diễn văn viết sẵn, giọng hùng hồn lên xuống, thì giản dị “Thầy Một nhìn về những ánh mắt tròn xoe, những cái đầu khét nắng đang hướng về mình. "Các con có vui không?", thầy hỏi. Lũ trẻ ống chân lấm lem, đứa quay ngang, đứa nhìn dọc rồi đồng thanh trả lời: "Dạ vui!".
"Ừ nhỉ, hôm nay thầy cũng vui mà. Vì sao các con biết không? Vì khai giảng lần này là lần đầu tiên thầy trò chúng ta có một buổi lễ đầy đủ sân khấu, hoa tươi, băng rôn chào mừng năm học mới, cờ Tổ quốc và tấm ảnh Bác Hồ đặt trang trọng", báo Tuổi Trẻ tường thuật. Tôi đọc mà nước mắt rưng rưng.
Đấy phải chăng là một trong cái mới trong nhiều cái mới của lễ khai giảng năm nay (tôi thích gọi khai trường hơn, vì thực ra, nhất là mấy năm trước, đã giảng cả tháng rồi).
Thư của Chủ tịch nước năm nay cũng khác. Ông nhấn đến sự học tập suốt đời, tôi đọc thấy sự giản dị và gần gũi từ lá thư dù mình đã quá tuổi học trò từ rất lâu rồi. Đến dự khai trường với trường PTDT nội trú Gia Lai, ông nói giản dị: “"Hôm qua tôi có viết một lá thư cho thầy cô giáo, cho các em học sinh trong cả nước. Lá thư không chỉ là của Chủ tịch nước mà còn là tình cảm của tôi đối với thầy cô giáo, các em học sinh.
Tình cảm đó xuất phát từ việc như các em tôi từng đi học, từng đứng trên bục giảng và làm quản lý giáo dục một thời gian dài. Đó là sự thấu hiểu, chia sẻ với thầy cô giáo và các em học sinh". Rồi nữa: ““Do xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị, nên cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải rất coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy; phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, với phương pháp sư phạm phù hợp nhất, giúp các em bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, không chạy theo điểm số, thành tích, học đến đâu chắc đến đó. Cùng với đó, nhà trường phải hết sức coi trọng giữa học và hành; tổ chức cho các em tích cực lao động, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống hằng ngày, biết giữ gìn và làm đẹp cảnh quan nhà trường…, từ đó giúp học sinh nhận thức rõ hơn trách nhiệm với tập thể, nâng cao tính kỷ luật, củng cố kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống”...
Cũng nhân khai trường năm nay, nhiều tỉnh có công văn hẳn hoi, hướng dẫn cụ thể các trường là không mời lãnh đạo đánh trống và phát biểu. Lãnh đạo đến dự chung vui, đánh trống và phát biểu là nội bộ nhà trường. Cũng là một sự mới so với các năm trước.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong phát biểu của mình, cũng ưu tiên cám ơn phụ huynh, xã hội đã chung tay cùng ngành giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Và ông đánh giá rất cao vai trò của các thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục. Lâu nay, trong phát biểu của nhiều Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường ở lễ khai trường bao giờ cũng có câu đầu tiên: cám ơn, biết ơn sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo giúp đỡ, cám ơn vì đã dẫu rất bận vẫn tới dự lễ với trường thể hiện sự quan tâm sâu sắc... của cá nhân này cơ quan cấp trên kia, trong khi thực ra các thầy cô mới là đối tượng được cám ơn...
Theo tôi, nhiệm vụ của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo sẽ rất nặng nề nhưng cũng hết sức thú vị, đầy ý nghĩa nếu làm được như đúng phát biểu của Chủ tịch nước trong cuộc gặp giáo viên và học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú Gia Lai hôm qua: “Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân đều có năng lực riêng biệt. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là phải sớm phát hiện ra năng khiếu, sở trường của từng học sinh trên các lĩnh vực, trên cơ sở đó có cách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho hợp lý, gắn với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với năng lực, điều kiện sống của các em sau này”.
Và chúng ta hy vọng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.