Viện nghiên cứu Mamiraua thuộc Bộ Khoa học Brazil cho biết, các xác cá heo được tìm thấy ở hồ Tefe, lưu vực sông Amazon.
Theo các nhà nghiên cứu, số lượng cá heo chết nhiều như vậy là bất thường và nguyên nhân có thể là do nhiệt độ nước hồ Tefe cao kỷ lục và hạn hán kéo dài.
Hiện các nhà khoa học và nhiều nhà hoạt động đang nỗ lực giải cứu cá heo bằng cách chuyển chúng đến các đầm hoặc hồ nằm ngoài lưu vực chính của dòng sông - nơi có nhiệt độ nước mát hơn.
Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng do khoảng cách địa lý. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Andre Coelho, việc chuyển cá heo đến các con sông khác cũng không khả thi vì phải kiểm tra độc tố hay nguy cơ tồn tại virus gây bệnh trong môi trường nước mới.
Theo viện Mamiraua, sự việc này là minh chứng cho quan ngại của nhiều nhà khoa học khí hậu về việc rừng Amazon đang chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của con người và hạn hán khắc nghiệt.
Sông Amazon, tuyến vận tải đường thủy lớn nhất thế giới, hiện đang trong mùa khô. Nhiều loài thủy sinh tại đây đang chịu tác động tiêu cực do nhiệt độ cao kỷ lục.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân bang Amazonas của Brazil - nơi sông Amazon chảy qua.
59 vùng đô thị tại bang báo cáo mực nước dưới mức trung bình đang cản trở hoạt động vận tải và đánh bắt cá trên sông.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Tuổi Trẻ)