Vụ việc một số phụ huynh phát hiện thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn của trẻ tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và sau đó hơn 100 trẻ ở địa phương này có kết quả xét nghiệm nhiễm sán lợn, đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm cũng như chờ đợi hình thức xử lý nghiêm minh đối với những người liên quan. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội – nhà giáo, PGS.TS Hoàng Văn Cường xung quanh vấn đề này.
Thưa Đại biểu Quốc hội, suy nghĩ của ông như thế nào khi nghe thông tin về sự việc hơn 100 trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh?
Cá nhân tôi khi nghe thông tin trên đã cảm thấy bất bình đối với những người đưa thực phẩm nhiễm sán lợn hoặc để cho thực phẩm bẩn vào trong bếp ăn của trường mầm non.
Trước hết, nếu như cố tình đưa thức ăn có bệnh cung cấp cho người tiêu dùng sử dụng thì đã là phạm tội rồi, chưa nói đến việc cung cấp thức phẩm cho trường mầm non để các cháu nhỏ ăn.
Đáng ra, đối với trẻ em thì càng phải được dành cho những gì tốt nhất, an toàn nhất, vậy nhưng đằng này, một số người đã đưa thực phẩm bẩn vào trường mầm non. Dư luận phẫn nộ và coi đây là một tội ác thì cũng không sai!
Theo ông, sự việc thực phẩm bẩn, nhiễm bệnh được đưa vào bếp ăn của trường mầm non thì trách nhiệm thuộc về ai?
Tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về trường mầm non – nơi xảy ra sự việc. Khi nhà trường làm hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm có đưa ra điều khoản về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hay không, có kiểm tra giám sát chặt chẽ thường xuyên hay không?
Tiếp theo là trách nhiệm của người cung cấp thực phẩm. Người cung cấp thực phẩm có tuân thủ đúng quy định trong hợp đồng hay không, có đảm bảo tiêu chuẩn đặt ra hay không? Thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ như thế nào?
Đối với những bếp ăn tập thể, cung cấp thức ăn cho đông người thì đòi hỏi thực phẩm phải được xác định rõ nguồn gốc. Không thể có chuyện nói chung chung là mua ở chợ. Nhà trường và người cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm liên quan. Ở địa phương có cơ quan y tế thường xuyên đi kiểm tra để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở cung cấp thức ăn công cộng, bếp ăn tập thể, nhà hàng… Vậy thì trong trường hợp này, cơ quan y tế ở địa phương có làm việc đó hay không, có đi thực tế hay không, tại sao không phát hiện hay là phát hiện mà bỏ qua. Những chuyện đó phải được làm rõ.
Nghĩa là cần phải được xử lý đến cùng, thưa Đại biểu?
Rõ ràng, khi đã xảy ra sự việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều trẻ em, ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội thì chắc chắn phải có đơn vị chịu trách nhiệm đến cùng. Chứ không thể có chuyện rút kinh nghiệm hay giải quyết nội bộ.
Việc đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm cũng chỉ là biện pháp tạm thời để ngăn chặn hậu quả có thể tiếp tục diễn ra. Nhưng cuối cùng nó phải là vấn đề xử lý trách nhiệm, nếu đến mức hình sự thì phải xử ở khung cao nhất, tăng nặng.
Cần truy trách nhiệm đến cùng, xử lý nghiêm minh để răn đe những trường hợp khác.
Có ý kiến cho rằng, cần đưa ra quy định lãnh đạo và giáo viên nhà trường phải ăn cơm cùng với các em học sinh, các cháu mầm non để nâng cao trách nhiệm của nhà trường. PGS nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi cho rằng đó không phải là biện pháp cốt yếu. Bởi vì, khi một sự việc xảy ra như thế thì có thể rất nhiều giáo viên ở trường đó họ không biết. Thậm chí nhiều giáo viên cũng gần như là đối tượng bị lừa dối.
Còn hiệu trưởng nhà trường thì cũng có rất nhiều việc, không thể thường xuyên ăn cơm cùng học sinh. Hoặc có những thực phẩm có thể đối với người lớn thì không bị ảnh hưởng nhiều nhưng đối với trẻ nhỏ thì lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vì vậy, tôi cho rằng, quan trọng nhất là trong việc quản lý thực phẩm phải có quy trình, quy định cụ thể, kiểm soát chặt chẽ, nếu trường hợp nào không tuân thủ quy định thì phải xử lý nghiêm khắc.
Xin cảm ơn Đại biểu!